Trong những ngày cuối tháng 5 - 2018, tập thể cán bộ khoa Sinh học đã có một hoạt động vô cùng ý nghĩa, diễn ra 2 năm một lần – “Hội nghị khoa học toàn quốc về nghiên cứu và giảng dạy sinh học ở Việt Nam” năm nay là lần thứ 3, tại thành phố biển Quy Nhơn. Kết hợp với Hội thảo là chuyến du lịch khám phá xứ “Hoa vàng trên cỏ xanh” đất Phú Yên và thủ phủ của miền đất võ Bình Định.
Thành phố Tuy Hòa chào đón đoàn chúng tôi bằng không khí mát mẻ, dễ chịu với miên man gió nhưng cũng đầy nắng. Qua con đèo Cả quanh co uốn lượn với một bên là núi đá một bên là biển xanh sóng vỗ, quang cảnh thật hùng vĩ khiến ai đi qua cũng phải nao lòng - đất nước mình thật đẹp. Điểm đến đầu tiên là Vịnh Vũng Rô. Tại đây chúng tôi được nghe câu chuyện lịch sử về con đường Hồ Chí Minh trên biển; con tàu không số huyền thoại với tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của các chiến sĩ rất xúc động và tự hào.
Rời Vũng Rô chúng tôi đến với bãi Môn, Mũi điện – Hải đăng Đại lãnh - điểm cực đông, là nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. Dưới chân núi Đại lãnh là bãi Môn, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê tung bọt trắng xóa đẹp như miền cổ tích. Chúng tôi cứ thế bỏ dép và chạy chân trần trên cát thật là thoải mái. Những khối đá lớn nhỏ nhiều màu dưới chân Đại lãnh là nơi cho các cô, các chị tạo dáng để có được những tấm hình kỉ niệm ưng ý. Đêm đến, Tháp Nhạn hiện lên huyền ảo trong ánh sáng đèn vàng. Đây là dấu tích của nền văn hóa Chăm, được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của người Chăm.
Phú Yên còn có một danh thắng độc nhất vô nhị ở Việt nam – Ghềnh Đá Đĩa, trông như một khối sáp ong khổng lồ, đen huyền đặt bên cạnh những chồng “đĩa” san sát, quả là một tuyệt phẩm của tạo hóa. Bản hòa tấu của đá, của sóng đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng ấn tượng.
Chia tay Phú Yên đoàn đến với Bình Định, thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp dần hiện ra trước mắt, vượt qua cầu Thị nại – vươn ra biển 2,5km để đến với làng chài Nhơn Lý, thưởng thức những món hải sản tươi nguyên do người dân chài đánh bắt và chế biến còn nóng hổi. Cũng từ đây đoàn đi Cano ra đảo Kỳ co được mệnh danh là Maldive của Việt nam. Biển xanh – cát trắng – nắng vàng, vẻ đẹp hoang sơ đắm say lòng người làm cho ai cũng muốn hòa mình vào cảnh sắc ấy.
Đến Eo gió trong buổi trưa nắng gắt để được tận hưởng cái mơn man và mùi vị của gió biển; được phóng tầm mắt bao quát vùng biển bao la rộng lớn cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Chúng tôi trở lại Quy Nhơn với ghềnh Ráng tiên sa, bãi Đá trứng với những quả “trứng” đá khổng lồ, bãi tắm Hoàng hậu, dốc Mộng cầm, đến thăm mộ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi nhân. Hẳn là thiếu sót nếu không khám phá con người và nét ẩm thực của người xứ Nẫu. Con người nơi đây rất mộc mạc, thân thiện và rất nhiệt tình. Từ bác bán hàng vỉa hè, anh lái taxi, người đi đường… đều sẵn sàng giúp bạn nếu bạn cần. Những món ăn đường phố rất rẻ và nhiều như chè mít đác, bánh canh, bánh hỏi cháo lòng, bún chả cá, các loại cuốn với bánh tráng... Những món đặc sản nổi tiếng như bánh ít lá gai, bánh hồng, tré, thịt bò một nắng…
Ngày cuối cùng trong chuyến du lịch khám phá mảnh đất miền Trung này là “Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 3 về nghiên cứu và giảng dạy sinh học ở Việt nam” do khoa Sinh học Đại học Sư phạm Hà Nội kết hợp với đơn vị chủ nhà Quy Nhơn đã diễn ra vô cùng sôi nổi với các cuộc tranh luận và rất nhiều đóng góp ý nghĩa cho các báo cáo. Trong thành công đó không thể thiếu được Gala diner với mong muốn “giao lưu, hợp tác, chia sẻ và thành công” có những tràng cười không dứt, niềm vui hiện lên trong từng ánh mắt.
Tạm biệt xứ Nẫu, hành trang mang theo về là những ấn tượng vô cùng tốt đẹp và những tấm hình ghi lại cảnh sắc và con người nơi đây. Thành công của chuyến đi này là sự đồng lòng và tận tâm của tập thể cán bộ khoa Sinh học. Cảm ơn Ban chủ nhiệm khoa và Công đoàn khoa, Đoàn thanh niên và tất cả các cán bộ trong khoa đã chung tay để có một chuyến đi vui vẻ và đầy ý nghĩa.
Tuyết Mai.