Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Đức Hậu – Phó Trưởng Khoa Sinh học đã trình bày một số vấn đề liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trong Khoa. Các nội dung xoay quanh quyền lợi của cán bộ khi tham gia nghiên cứu khoa học, thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ trong Khoa và căn cứ xây dựng các hướng nghiên cứu. Đặc biệt, PGS.TS. Trần Đức Hậu đã tập trung chia sẻ một số hướng nghiên cứu chính được xem là định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa, đồng thời cũng là thông tin, cơ sở để cán bộ tham khảo và xây dựng kế hoạch phát triển các hướng nghiên cứu trong thời gian tới. Báo cáo giới thiệu 4 hướng nghiên cứu chính, bao gồm:
1. Đa dạng sinh học và bảo tồn: Điều tra, giám sát đa dạng sinh học; phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái; bảo tồn gene; đạo đức sinh học và đạo đức môi trường,...
2. Sinh học với đời sống con người: Genomic, Vi sinh vật và các hợp chất tự nhiên; Dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng; Nghiên cứu lão hóa và tuổi thọ,...
3. Công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Công nghệ tạo giống mới; Công nghệ sinh học vi sinh; Công nghệ sinh học trong chăn nuôi, thủy sản; Chuyển đổi số và tự động hóa trong giám sát sinh trưởng phát triển của vật nuôi,…
4. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Xử lý ô nhiễm môi trường; Phát triển năng lượng; Công nghệ môi trường tích hợp sinh học; Phát triển bền vững,…

Hình 1. PGS.TS. Trần Đức Hậu chia sẻ tại buổi tọa đàm
Sau phần trình bày của PGS.TS. Trần Đức Hậu, các giảng viên trong Khoa đã tham gia thảo luận sôi nổi dưới sự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn – Trưởng Khoa Sinh học. Nội dung thảo luận tập trung vào một số vấn đề liên quan đến các hướng nghiên cứu, cách thức chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học, chính sách khen thưởng cho cán bộ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, cách thức xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh...Trao đổi tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Quyền (Bộ môn Thực vật học) đã chia sẻ một số khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu, như cơ chế quản lý, điều hành, quy định liên quan đến thanh quyết toán đề tài khoa học và công nghệ, dẫn đến những vướng mắc khi triển khai các đề tài nghiên cứu. TS. Lê Thị Tươi (Bộ môn Di truyền – Hóa sinh) cho rằng việc cùng một lúc vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy vừa hướng dẫn sinh viên, học viên khiến cán bộ bị hạn chế về thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, năng lực của người học tham gia vào các đề tài nghiên cứu còn hạn chế, trong khi chuyên môn sâu là rào cản để các giảng viên mở rộng hướng nghiên cứu và hợp tác với các đơn vị khác trong và ngoài trường. Ngoài ra, người học còn chưa thật sự hứng thú, đam mê với hoạt động nghiên cứu khoa học là vấn đề được TS. Nguyễn Thị Trung Thu (Bộ môn Sinh lý học người và động vật) đề cập đến khi nói về khó khăn trong triển khai các đề tài theo hướng điều tra, thực nghiệm.



Hình 2. Cán bộ Khoa Sinh học tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm
Thảo luận về một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ cũng như xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, TS. Phan Duệ Thanh (Bộ môn Công nghệ Sinh học-Vi sinh) cho rằng cần có những chính sách về quyền lợi cho trưởng nhóm nghiên cứu, cũng như cơ chế để khuyến khích các cán bộ có năng lực nghiên cứu đứng ra tập hợp và xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Tiến sỹ Thanh cũng đề xuất Nhà trường và Khoa có cách để tháo gỡ các khó khăn trong việc thanh toán đề tài hay chính sách quản lý, vận hành trang thiết bị máy móc của các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu.
Tổng kết buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn nhấn mạnh, cán bộ trong Khoa cần chủ động liên kết với các đơn vị đã ký kết hợp tác và các cơ sở nghiên cứu khác để mở rộng nguồn lực nghiên cứu về cả chuyên môn lẫn cơ sở vật chất. Về việc vận hành các phòng thí nghiệm, Khoa cũng sẽ xem xét để điều phối cán bộ phụ trách, đảm bảo đúng người, đúng việc và nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị nghiên cứu. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn cũng đề xuất, sau buổi tọa đàm, các Bộ môn trong Khoa cần thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ và đề xuất 1-2 hướng nghiên cứu chính có sự tham gia của cán bộ bộ môn, cũng như có sự hợp tác của các đơn vị trong và ngoài trường. Căn cứ trên đề xuất của các bộ môn, Khoa sẽ tập hợp và định hướng để xây dựng các hướng nghiên cứu trọng tâm, mang bản sắc riêng của Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bài và ảnh: Lê Thị Thủy