Trong không khí tưng bừng kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Trường Đại học Sư phạm vinh dự và tự hào khi có ba nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, đó là GS.TS. Lê Quang Long, GS.TS. Đinh Quang Báo, PGS.TS. Lê Đình Trung. Điều đặc biệt hơn, ba nhà giáo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được vinh danh năm nay đều là giảng viên công tác lâu năm tại Khoa Sinh học.
Sáng ngày 20/11/2014, tại hội trường K1, Khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ chúc mừng các thầy giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân nhằm gửi lời tri ân, chúc mừng của các thế hệ học trò, các đồng nghiệp, toàn thể gia đình tới các thầy.
Đến dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa; GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng - nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường, ThS. Nguyễn Nhật Tân - Chủ tịch Công đoàn trường, ThS. Nguyễn Văn Vận - Trưởng phòng Công tác chính trị, đại biểu đến từ các đơn vị khác trong trường và đông đảo cán bộ đã và đang công tác tại khoa Sinh học cùng các học trò, gia đình của GS.TS. Lê Quang Long, GS.TS. Đinh Quang Báo, PGS.TS.Lê Đình Trung.
GS.TS. Lê Quang Long năm nay đã 90 tuổi, là một người thầy tiêu biểu trong thế hệ giáo viên đầu tiên ở các cấp trung học dưới chế độ mới. Giáo sư cũng là thế hệ giảng viên đầu tiên giảng dạy đại học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đào tạo nên thế hệ các nhà Sinh học Việt Nam đầu tiên tại khoa Sinh học.
Sau Cách mạng tháng Tám, giáo sư thuộc lớp giáo viên phổ thông đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới giành độc lập tại Nghệ An (1945-1947), là cán bộ Sở Giáo dục Liên khu IV. Năm 1950, giáo sư Lê Quang Long được gửi đi học ở trường Dục Tài Học Hiệu (khu học xá Nam Ninh). Cuối năm 1953, được điều về biên soạn tài liệu học tập ở Nha Bình Dân Học Vụ thuộc Bộ Giáo dục. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính phủ đã mở trường Đại học Khoa học đầu tiên tại Hà Nội, giáo sư về dạy ở đó gần 2 năm và sau đó lại được gửi đi bồi dưỡng nghiệp vụ ở Liên Xô tại các trường: Lô-mô-xốp ở Mát-xcơ-va, trường Lê-nin-grat, trạm Sinh học Bắc Hải. Năm 1958, lúc trở về Việt Nam, giáo sư được phân công giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội mãi cho đến lúc về hưu (năm 1993). Tuy có quyết định về hưu, nhưng do nhu cầu cách mạng, giáo sư vẫn tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh và biên soạn tài liệu giáo khoa cho đến tận ngày nay.
Trong thời gian công tác tại Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS. Lê Quang Long đã chủ trì nhiều đề tài khoa học, từ khi đất nước còn trong chiến tranh và cho tới sau này, trong đó có những đề tài tuyệt mật phục vụ công tác quốc phòng. Thầy đã viết hơn 100 đầu sách, trong đó có hơn 50 đầu sách được thực hiện sau khi đã nghỉ hưu. Thầy đã tích cực biên soạn nhiều giáo trình phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, sách tham khảo phục vụ giáo dục phổ thông, được giáo viên trong cả nước sử dụng rộng rãi và được đánh giá tốt. Bên cạnh đó, GS.TS. Lê Quang Long còn có rất nhiều công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài. Giáo sư Lê Quang Long đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ học sinh từ năm 1951 cho tới khi về nghỉ hưu và hiện nay vẫn tham gia viết sách và tham gia một số hoạt động đào tạo của khoa Sinh học. Trong số các thế hệ học trò của giáo sư, từ phổ thông cho tới đại học, nhiều người đã trưởng thành, đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong quân đội và chính quyền, nhiều người là nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.
GS.TS. Đinh Quang Báo nguyên là Trưởng khoa Sinh học, và Hiệu trưởng của Trường đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1997 đến năm 2006. Nay thầy giữ vị trí Viện trưởng Viện nghiên cứu Sư phạm, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục, Thành viên bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015, Phó Chủ tịch Hội đồng bộ môn chương trình và sách giáo khoa Sinh học phổ thông. Lĩnh vực chuyên môn của giáo sư là về Khoa học giáo dục và Phương pháp dạy học Sinh học với rất nhiều bài báo đăng trong các tạp chí và kỷ yếu khoa học. Giáo sư Đinh Quang Báo có kiến thức uyên thâm về khoa học giáo dục, nhưng nói đến giáo sư những học trò và đồng nghiệp đều nghĩ ngay tới tấm gương về sự vận dụng lý thuyết khoa học giáo dục vào thực tiễn giảng dạy, để những lý thuyết ấy được vận hành trong cuộc sống. Cũng chính vì vậy, mà học sinh của giáo sư có tới 19 tiến sĩ, đông đảo nghiên cứu sinh và thạc sĩ khoa học. Đến nay, tuy đã về hưu nhưng giáo sư vẫn là chuyên gia chủ chốt trong hoạt động đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
PGS.TS. Lê Đình Trung nguyên là Phó Trưởng Khoa Sinh học, nhiều năm làm Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Khi thôi làm công tác quản lý, PGS. Lê Đình Trung quay trở về làm giảng viên cao cấp giảng dạy tại khoa; say mê với công tác giảng dạy và đào tạo. Chỉ với việc trở về khoa giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ học trò đã làm cho cán bộ và sinh viên khoa Sinh học rất yêu mến thầy. PGS.TS. Lê Đình Trung là tấm gương tận tụy với nghề. Hầu hết các giáo viên phổ thông dạy sinh học đều biết đến PGS. Lê Đình Trung qua những cuốn sách phổ biến về giảng dạy Di truyền học tại phổ thông. GS. Lê Đình Trung cũng là người thầy của hàng chục tiến sỹ và thạc sỹ, và hàng trăm cử nhân sư phạm ngành Sinh học.
Trong Lễ chúc mừng các thầy giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn thay mặt toàn thể cán bộ Khoa Sinh học đã phát biểu chúc mừng các thầy giáo nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đồng thời xin hứa sẽ ghi nhớ và noi gương học tập tấm gương vì sự nghiệp giáo dục của các thầy, tiếp tục phát huy truyền thống của Khoa Sinh học. Cũng trong buổi lễ các thầy giáo đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ Nhà trường, các phòng ban, đơn vị, các hội, các tổ chức, cá nhân. Cuối buổi lễ, GS.TS. Lê Quang Long đại diện ba thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đã có lời phát biểu xúc động và dặn dò các thế hệ học trò “Công cha nghĩa mẹ chữ thầy, sống sao cho bõ những ngày ước ao...”.
Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, hân hoan, ấm cúng mà đầy xúc động. Trường Đại học Sư phạm nói chung, cũng như toàn thể cán bộ Khoa Sinh học nói riêng, vô vùng tự hào và hứa phấn đầu học tập và làm việc theo gương các nhà giáo nhân dân, gìn giữ và phát huy truyền thống mà thế hệ các thầy đã dày công gây dựng.
Dưới đây là một vài hình ảnh của buổi lễ.