Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2016, tại phòng họp A3, Chi đoàn cán bộ khoa Sinh học đã tổ chức một buổi seminar khoa học với 2 báo cáo viên là 2 tiến sĩ vừa tốt nghiệp ở Australia về. Đến dự buổi seminar có TS. Đoàn Văn Thược, Phó Trưởng khoa Sinh học, PGS. TS. Mai Sỹ Tuấn, nguyên Trưởng khoa Sinh học, TS. Trần Thị Thúy, Trưởng bộ môn CNSH-Vi sinh, TS. Bùi Thu Hà, bộ môn Thực vật và đông đảo các cán bộ trong khoa, các đoàn viên chi đoàn cán bộ và các bạn sinh viên quan tâm.
Báo cáo viên Nguyễn Thị Tâm, giảng viên bộ môn Di truyền học, trở về từ đại học Queenland, đã giới thiệu kết quả nghiên cứu về Sự di truyền tính kháng phosphine ở loài mọt gạo Sitophylus oryzae (L.). Đây là một công trình nghiên cứu công phu, kết hợp cả các phương pháp nghiên cứu di truyền kinh điển của Mendel và các phương pháp di truyền phân tử hiện đại. Đối tượng mọt gạo là một trong những tác nhân gây hại lớn nhất đến các loại sản phẩm ngũ cốc, đặc biệt là gạo. Để giảm thiểu tác hại của chúng trong quá trình bảo quản ngũ cốc, xông hơi phosphine hiện đã trở thành phương pháp được áp dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tính kháng phosphine của mọt gạo lại là vấn đề cản trở hiệu quả của phương pháp bảo quản này. Vì vậy mà nghiên cứu của tiến sĩ Tâm rất hấp dẫn và gây được sự chú ý quan tâm lớn.
Tiếp theo là tiến sĩ Đào Thị Hải Lý, giảng viên bộ môn CNSH - Vi sinh tốt nghiệp từ Đại học Monash, đã trình bày báo cáo về ảnh hưởng của kim loại chì lên hai loài tảo lục Chlorella và Scenedesmus. Tảo là nhóm sinh vật có vai trò quan trọng, là mắt xích thức ăn khởi đầu trong chuỗi thức ăn của các thủy vực, đóng góp một phần lớn cho năng suất cơ cấp toàn cầu. Chì là một kim loại nặng, dộc là chất thải của nhiều ngành công nghiệp quan trọng. Hiện trạng ô nhiễm chì đã và đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng. Nghiên cứu của tiến sĩ Lý về ảnh hưởng của chì đến hai loài tảo lục này, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến cơ chế quang hợp đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học để định hướng việc áp dụng các loài sinh vật như tảo lục vào việc xử lý ô nhiễm môi trường.
Sau khi các báo cáo viên trình bày nghiên cứu của mình, các đại biểu tham dự đã đặt nhiều câu hỏi thú vị, trao đổi, thảo luận sôi nổi với các báo cáo viên. Hai tiến sĩ cũng chia sẻ sẽ tiếp tục theo đuổi các hướng nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực khi trở lại giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Khoa. Chúc cho hai nữ giảng viên trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết luôn mạnh khỏe, xinh đẹp, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu của Khoa, của Trường.
Ảnh 1. Tiến sĩ Tâm và tiến sĩ Lý trình bày báo cáo của mình
Ảnh 2. Báo cáo viên trao đổi với các đại biểu tham dự
Ảnh 3. Bí thư CĐCB Lê Thị Tuyết tặng quà cho 2 báo cáo viên