Sáng ngày 16 tháng 10 năm 2012, tại phòng họp A3 Khoa Sinh học, Bộ môn Động vật học đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề “Nghiên cứu giai đoạn sớm vòng đời cá thơm và đặc trưng dạng di cư Amphidromy”. Đây là một phần trong kết quả nghiên cứu đạt được trong đề tài luận án Tiến sĩ của TS. Trần Đức Hậu vừa bảo vệ thành công tại Đại học Kochi, Nhật Bản. Tới dự buổi seminar thường kỳ của Bộ môn có PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn (Trưởng Khoa Sinh học), PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Phó Trưởng Khoa, Trưởng Bộ môn Động vật học), các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngư loại học như GS.TS. Mai Đình Yên (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Nguyễn Hữu Dực (ĐHSP Hà Nội) cùng toàn thể cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Bộ môn Động vật học.
Nghiên cứu về khu hệ cá ở Việt Nam đã được tiến hành ở nhiều vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên những nghiên cứu đi sâu về đặc điểm sinh học, sinh thái học của các loài cá cụ thể thì vẫn còn chưa nhiều. Trong nghiên cứu của mình, TS. Hậu đã đi sâu nghiên cứu trường hợp của loài Cá Thơm (Plecoglossus altivelis). Trong nghiên cứu này, tác giả đã tiến hành so sánh các mẫu Cá Thơm thu ở Việt Nam và thu ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, ấu trùng của loài cá này mới chỉ thu được ở sông Kalong mà không thu được ở sông Tiên Yên, hai khu vực được cho là cực nam vùng phân bố của loài cá này. Ấu trùng không thu được tại các địa điểm ở biển, nơi nhiệt độ thấp hơn ở sông và cửa sông vào tháng 1 và tháng 2. Nhiệt độ nước ở sông Kalong cao hơn, nhưng cá Thơm vẫn tồn tại và sinh sản ở cửa sông này. Khi so sánh về phân tử với hai phân loài cá Thơm ở Nhật Bản, loài cá Thơm ở Việt Nam gần với phân loài P. a. altivelis phân bố ở các đảo chính, khác với phân loài P. a. ryukyuensis phân bố ở đảo Ryukyu. Tuy nhiên, về hình thái của ấu trùng thì không có sự khác nhau nhiều so với hai phân loài trên. Cá Thơm ở Việt Nam sinh sản muộn hơn so với ở Nhật Bản, có thể do ảnh hưởng bởi thời gian chiếu sáng ngắn muộn hơn ở vùng có vĩ độ thấp. Tốc độ sinh trưởng được so sánh giữa cá Thơm ở Việt Nam với phân loài P. a. altivelis ở các đảo chính. Giá trị này cao nhất ở Niigata (đối diện với biển Nhật Bản), địa điểm có vĩ độ cao nhất. Cá Thơm với sự đa dạng về kiểu gen và tập tính sinh sản có thể giải thích được sự phân bố rộng của loài cá này, kéo dài từ cận hàn đới đến nhiệt đới. Trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được trong nghiên cứu loài cá này, cùng với những kinh nghiệm và thiết bị nghiên cứu hỗ trợ từ phía Nhật Bản, hy vọng hướng nghiên cứu sinh học, sinh thái học các loài cá, đặc biệt là các loài cá kinh tế, các loài cá quý hiếm sẽ tiếp tục được phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới.