Ngày 13/06/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 711/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Giáo dục 2011 - 2020. Chiến lược nhằm quán triệt và cụ thể hoá các chủ trương, định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của đất nước. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: “Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập”.
Chiến lược đã xác định một số mục tiêu cụ thể, trong đó về Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học sẽ hướng tới: Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đại học; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động và một bộ phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400.
Về Giáo dục thường xuyên, Chiến lược cũng khẳng định: Phát triển giáo dục thường xuyên tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình; bước đầu hình thành xã hội học tập. Chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng cao, giúp người học có kiến thức, kỹ năng thiết thực để tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần.
Chiến lược đã đề ra 8 giải pháp căn bản để phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 bao gồm: Đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục. Chiến lược được phân ra 2 giai đoạn để thực hiện: Giai đoạn 1 (2011-2015), Giai đoạn 2 (2016 - 2020).
QUYẾT ĐỊNH: Phê duyệt ''Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020"
CHIẾN LƯỢC: Phát triển giáo dục 2011 - 2020
Ảnh 1. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm và làm việc với Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm HN
Ảnh 2. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới thăm và làm việc với Bảo tàng Sinh vật, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội