“Ta về đây như mây giăng trên đỉnh
Như trời tháng bảy hong hanh ngọn su su
Em bước vội qua triền dốc núi
Xòe bàn tay che lấp vạt sương mù”
Hình 1. Ba ngọn núi tạo nên VQG Tam Đảo
Chúng ta thường nghĩ đến VQG Tam Đảo như là một khu nghỉ dưỡng với không khí mát mẻ quanh năm… nhưng hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe về Tam Đảo qua lăng kính của các sinh viên khóa 63 Khoa Sinh học trong đợt thực tập thiên nhiên từ ngày 22-28/06/2015.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, cuối cùng chúng tôi cũng đã có mặt an toàn tại nhà nghỉ của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tam Đảo đón chúng tôi trong tiết trời se lạnh, sương mù phủ trắng thị trấn. Có lẽ đây là lần đầu cả tập thể 63 đi xa nhà lâu đến thế, mỗi nhóm bạn sẽ ở cùng một phòng, dậy cũng một giờ, ăn cơm cùng một bữa và chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn trong suốt quãng thời gian này.
Ngày thứ hai bắt đầu với các thầy cô Bộ môn Thực Vật học, không biết nguồn động lực lớn lao nào đã khiến cho chúng tôi trở thành “những nhà leo núi thực thụ” chinh phục đỉnh “Rùng Rình” cao hơn 1.300 m – một trong ba đỉnh tạo nên tên gọi “Tam Đảo”. Nguồn động lực ấy có lẽ xuất phát từ niềm hân hoan khi được khám phá thiên nhiên, được vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chúng tôi đã thực sự choáng ngợp với sự thay đổi hệ sinh thái rừng khi đi từ chân núi đến đỉnh núi và thực vật thay đổi để thích ứng với môi trường sống của chúng. Ngày hôm sau trời đổ bão, ai cũng vui sướng vì nghĩ sẽ được xả hơi, 10h có tiếng báo động từ trưởng đoàn, chúng tôi lại tiếp tục hành quân khám phá hệ thực vật phong phú xung quanh thị trấn Tam Đảo. Tối tối, thầy cô lại lên giúp chúng tôi học cách phân loại thực vật cũng như giới thiệu giá trị của chúng trong thực tiễn. Càng tiếp xúc chúng tôi càng thấy thầy cô thật gần gũi và cũng “xì – teen”.
Hình 2. Vượt rừng lên đỉnh Rùng Rình
Chia tay với các thầy cô Bộ môn Thực Vật, ngay hôm sau các thầy ở Bộ môn Động Vật học đã mang đến guồng quay làm việc bận rộn đến không tưởng. Cũng không biết các thầy đã làm gì mà khiến chúng tôi – đứa nào đứa nấy đều ao ước, mong muốn được đi tuyến “Đồi Thông”. Có phải chăng là bởi vì sự đón tiếp nồng hậu của cả một trận địa vắt? Chúng tôi theo thầy Sơn lên chùa Địa Ngục - vừa đi thầy vừa giảng giải về hệ động vật nơi đây. Đi với thầy Dũng là chắc chắn bạn sẽ có cảm giác mình trở thành nhà thám hiểm thực thụ, bạn sẽ được cùng thầy mở đường để đi xuyên rừng, được thầy dẫn đi thực địa khi mặt trời đã khuất núi - những điều mà đúng như thầy nói “khi cần chúng ta có thể làm được mọi việc”, nói thật với các bạn là vất vả lắm nhưng cực kì vui. Mình có may mắn được học sinh thái của thầy Nhượng, trong đợt đi này thầy cũng là người để lại cho mình nhiều ấn tượng. Thầy rất rất vui tính, cách thầy dạy chúng mình cũng rất tuyệt, từ cách học như thế nào, cách đi thực địa sao cho hiệu quả và phải làm sao để trở thành một người thầy, người cô giỏi. Khác hẳn với vẻ ngoài, thầy Hồng nói chuyện rất nhẹ nhàng, vừa đi tuyến đồi Toàn Quyền thầy chia sẻ rất nhiều kiến thức về các loài côn trùng, các loài bướm, thầy còn chia sẻ cách để mình có sức khỏe thật tốt.
Hình 3. Bữa cơm tối trong rừng của đoàn thực địa
Hình 4. Một số loài sinh vật trong bóng đêm của núi rừng Tam Đảo
Hình 5. Phân tích mẫu vật tại thực địa
Buối tổi liên hoan, đốt lửa trại như cầu nối để thầy và trò lại gần nhau hơn. Trong ánh lửa toát lên sức trẻ, tràn đấy khí thế của các bạn sinh viên; ánh lửa ấy còn là ngọn lửa nhiệt huyết, tận tâm tận sức đang cháy bên trong thầy cô. Ánh lửa ấy soi sáng tinh thần đoàn kết của cá tập thể K63, sự hết mình trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức, vui hết mình khi giao lưu cùng các bạn du học sinh và các bạn sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cháy hết mình cho đam mê và hoài bão tuổi trẻ. Đúng theo phương châm “Học hết sức, chơi hết mình”. Đêm lửa trại thật vui nhưng lại thấy len lỏi trong tâm trí tôi sự tiếc nuối vô bờ, tiếc nuối cho những ngày bên nhau, tiếc nuối vì thời gian thật ngắn ngủi, tiếc nuối cho nhiều điều khác nữa…
Hình 6. Ngọn lửa của niềm đam mê và sức trẻ
Hình 7. Tham gia trò chơi trong đêm lửa trại
Chuyến đi thực tập thiên nhiên đã kết thúc thành công tốt đẹp! Tam Đảo đã xa dần nhưng những kỉ niệm ở nơi đó sẽ đi mãi cùng chúng tôi - những Sinh viên khóa 63, là một mảnh ghép không thể thiếu trong quãng đời sinh viên tuyệt vời này. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các thầy cô, những người đã theo sát từng bước chân của chúng tôi, đã dạy chúng tôi nhiều bài học quý giá. Các thầy cô sẽ là tấm gương sáng về lòng đam mê nghiên cứu khoa học, nhiệt huyết, tận tâm với nghề mà chúng tôi sẽ mãi mãi noi theo. Chúc thầy cô và các bạn sinh viên khóa 63 sẽ có nhiều sức khỏe và không ngừng nỗ lực trên con đường mà chúng ta đã chọn.
Thu Trang (K63A)