Ngày 15/02/2014, Công đoàn Khoa Sinh học đã tổ chức cho cán bộ trong toàn khoa đi du Xuân đầu năm. Mặc dù còn bận bịu nhiều công việc gia đình trong những ngày nghỉ cuối tuần đầu năm, nhưng các cán bộ trong khoa đều cố gắng thu xếp để cùng du xuân với cả tập thể khoa. Hoạt động này góp phần tăng cường sự giao lưu và thể hiện sức mạnh đoàn kết truyền thống vốn có của mái ấm Khoa Sinh học. Không biết tự bao giờ, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành việc làm ý nghĩa không thể thiếu và cũng là một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt. Người Việt tin rằng lễ chùa đầu năm là khởi đầu của mùa xuân, của sự sống. Bởi vậy, đây là dịp để con người ta vãn cảnh chùa, cảm nhận hơi thở của mùa xuân, cũng là khoảnh khắc hiếm hoi để con người tìm được sự thanh thản nơi tâm hồn sau những bộn bề của cuộc sống. Theo quan điểm của người Việt, muốn cầu mong thần tài phù hộ thì đầu năm xuất hành nên chọn hướng chính Tây. Năm nay, Khoa Sinh học đã chọn hướng xuất hành du xuân theo hướng Tây để tới thăm rất nhiều chùa, đền ngay trên địa bàn của Hà Nội như Chùa Tây Phương, Chùa Trăm Gian, Đền Và, Chùa Mía và làng cổ Đường Lâm.
Những địa danh mà đoàn tới thăm quan trong chuyến du xuân đầu năm Giáp Ngọ này đều khá quen thuộc và gẫn gũi. Tuy nhiên, cũng phải giới thiệu sơ nét về các chùa, đền để mọi người cùng biết.
Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự) là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Từ chân núi, qua 239 bậc lát đá ong thì đến đỉnh núi và cổng chùa. Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song: bái đường, chính điện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc, điểm những cửa sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Mái lợp hai lớp ngói: mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót, còn gọi là ngói chiếu, hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Xung quanh diềm mái của ba toà nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm. Cột chùa kê trên những tảng đá chạm hình cánh sen. Toàn bộ ngôi chùa toát ra một tính hoành tráng và phóng khoáng phù hợp với triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật. Nơi đây còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.
Chùa Trăm Gian (hay còn gọi là chùa Quảng Nghiêm, chùa Tiên Lữ) nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại. Ở sân chùa có gác chuông hai tầng tám mái được dựng vào năm Quý Dậu 1693, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa còn giữ được nhiều di vật và tượng quý. Trăm gian, cái tên rất bình dân, dường như muốn nói lên vẻ bề thế của ngôi chùa. Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một "gian" thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính: Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước. Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,10 m, đường kính 0,6 m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai,1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật. Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thế tới cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện. Hai bên là 2 dãyhành lang. Trong cùng là nhà tổ, giữ lại có lầu trống bên trong treo một cỗ trống lớn, đường kính 1 m và một tấm khánh đồng dài 1,20 m, cao 0,60 m đúc năm 1749, Cảnh Hưng thứ 10. Tại đây có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống kiểu các bệđá thời nhà Trần. Trên bệ đá là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bón góc có hình chim thần. Trên bệ đặt các tượng Phật tam thế. Trong chùa còn có nhiều bia, hoành phi, câu đối... Riêng có hai câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ(1400-1406). Trong chùa có tượng đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, chỉ huy đạo quân đánh vào phía nam Thăng Long. Tượng này được phát hiện vào năm 1972. Ngoài ra còn có tượng Đức Thánh Bối đặt trong khám gỗ gian bên phải. Đây là tượng cốt rút bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông.
Chùa Mía (tên chữ: Sùng Nghiêm tự) là một ngôi chùa ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam(287 tượng). Gác chuông của chùa là ngôi nhà 3 gian làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá. Trên gác treo một quả chuông đúc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1864). Gần gác chuông và cây đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13 m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Chùa Trung và chùa Thượng còn giữ được bộ khung gỗ mà có nhiều phần điêu khắc có từ thế kỷ 17. Chùa Mía khá nổi tiếng với số lượng có ở đây: có đến 287 pho tượng lớn, nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng. Ở chùa Trung có hai pho tượng Hộ Pháp lớn và 8 pho tượng Kim Cương. Mỗi pho tượng là hình tượng một võ tướng đang trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để trừ tà bảo vệ phật pháp. Hình khối, bố cục vững chắc, thân hình cân đối, đường nét thoải mái và khỏe. Tại chùa Thượng, người ta còn thấy các động bằng đất đắp. Trong và xung quanhcác động có khá nhiều tượng. Trong một động có cả tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Pho tượng Tuyết Sơn cao 0,76 m và Quan Âm Tống Tử cao 0,76 m ở đây cũng rất đẹp. Tượng Quan Âm thường được gọi là tượng Bà Thị Kính. Tượng này diễn tả một người phụ nữ thùy mị, có duyên, vẻ mặt hơi buồn nhưng rất hiền từ nhân hậu, ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau truốt.
Đền Và ở thôn Vân Gia (nguyên đọc theo âm chữ Hán là Vân Già), xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, còn gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài (Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh, Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và nằm giữa đồi Và, một đồi cây có diện tích khoảng 17.500 m² trồng nhiều cây lim cổ thụ, ngoài ra còn có mít, thông, đại, muỗm... Trong đền trồng cây vóc vàng và hai bên nhà tiền tế có hai cây lan cao to, đây đều là những loài nở hoa về mùa hè. Theo thuyết phong thuỷ, khu đồi có hình dáng con rùa (Kim Quy) đang bơi về phía mặt trời mọc. Khu vực kiến trúc rộng khoảng 2.000 m² được bao ở hai bên và phía sau bởi tường thành bằng đá ong cao 2m15. Tường được xây hai lớp, theo cách thức thượng thu hạ thách, chính giữ lèn đất. Trong dân gian lưu truyền rằng, đá ong xây tường được lấy ở đồi Vông, thôn Vân Gia, còn gọi là "xóm Rắn" nên có câu thành ngữ "cấu cổ con xà, đè cổ con quy". Đền Và đang lưu giữ 5 bản thần tích "Tản Viên Sơn Thánh"; 18 đạo sắc phong của các đời vua, trong đó có 17 bản chính có dấu ấn; 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Nơi đây còn có 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 tấm biển gỗ. Vị thần được thờ phụng ở đền Và là Thánh Tản Viên, đứng đầu trong tứ bất tử và là "Thượng đẳng tối linh thần", "Đệ nhất phúc thần"... "là người anh hùng văn hoá sáng tạo trong tư duy nông nghiệp, người anh hùng trị thuỷ, chống giặc, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc, khi chết Tản Viên là phúc thần trừ tai hoạ cho dân". Từ thời Hậu Lê, nơi có đền Và là lỵ sở của huyện Tùng Thiện cũ, đền Và trở thành trung tâm tín ngưỡng hàng huyện nên người dân quan niệm ở đó thiêng hơn những nơi khác cũng thờ Thánh Tản Viên. Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam. Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006. Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng),…
Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Hệ thống đường xá của Đường Lâm rất đặc biệt vì chúng có hình xương cá. Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Một điểm đặc biệt là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Cũng ở làng Mông Phụ có đình Mông Phụ - được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) - là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Về nhà cổ, ở Đường Lâm có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm1649, 1703, 1850...). Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong.
Vạn vật như đang dần thay đổi, biến hóa trong những ngày đầu xuân. Và con người cũng vậy, mỗi người một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với đức Phật, tổ tiên. Hòa vào dòng người đi lễ, bạn sẽ cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Tiếng chuông chùa ngân vang, cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn ta thanh thản đến lạ kỳ. Hy vọng một năm mới tốt lành sẽ mang đến cho mỗi cán bộ trong Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc.
Bài và ảnh: Hùng Sơn
Một số hình ảnh chuyến du xuân đầu năm Giáp Ngọ của Khoa Sinh học
Ảnh 1. Cả đoàn Khoa Sinh học trước cổng lên chùa Tây Phương
Ảnh 2. Một trong 18 vị La Hán chùa Tây Phương
Ảnh 3. Cả đoàn Khoa Sinh học trước thềm bậc đá lên chùa Trăm Gian
Ảnh 4. Đoàn thăm gian hàng các sản phẩm mỹ nghệ thủ công truyền thống
Ảnh 5. Xin chữ đầu năm
Ảnh 6. Cả đoàn Khoa Sinh học trước cổng Đền Và
Ảnh 7. Cả đoàn Khoa Sinh học trước cổng chùa Mía
Ảnh 8. Tượng các vị La Hán bên hữu ở chùa Mía
Ảnh 9. Hoa nở vàng rực rỡ trên mái hiên chùa Mía
Ảnh 10. Cả đoàn Khoa Sinh học trước cổng đình làng Mông Phụ
Ảnh 11. Múa rồng ngày xuân
Ảnh 12. Nghe gia chủ giới thiệu ngôi nhà cổ ở Đường Lâm
Ảnh 13. Ngồi chõng tre uống nước chè, ăn khế ngọt trước sân nhà cổ Đường Lâm