Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy Đảng mạnh khi các Đảng viên phát huy tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên giữ vị trí rất quan trọng trong quá trình giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Hình ảnh người Đảng viên được thể hiện qua câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đó không chỉ thể hiện hình ảnh mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng viên phải là những người xung kích, tiên phong, gương mẫu, sáng tạo, trách nhiệm trên mọi mặt trận. Sinh thời chủ tịch Hồ chí Minh luôn nhắc nhở và yêu cầu tính sang tạo, trách nhiêm, tiên phong, nêu gương của người Đảng viên. Không chỉ nhắc nhở, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức và tác phong công tác, trong cả lời nói lẫn hành động. Từ Đại hội VII, Đảng cũng đã xác định “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”*. Mỗi cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ, đảng viên trẻ cần phải luôn trau dồi, rèn luyện và noi theo tác phong sáng tạo, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong điều kiện cách mạng hiện nay, với vai trò là một Đảng viên trẻ tôi thiết nghĩ mỗi Đảng viên trẻ cần nhận thức và rèn luyện tác phong sáng tạo, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số vấn đề sau:
1. Xây dựng phong cách làm việc khoa học, không ngừng sáng tạo
Trong phong cách làm việc của Hồ Chí Minh cũng như yêu cầu của Người với các Đảng viên làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu để nắm chắc thực chất tình hình “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng”. Vì vậy, cán bộ Đảng viên trẻ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”. Cần căn cứ thực tiễn, lên chương trình, kế hoạch làm việc rõ ràng. Khi có kế hoạch phải có tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người rằng, kế hoạch 10 phần thì quyết tâm thực hiện phải 30 phần. Điều này còn thể hiện ở phong cách làm việc đúng giờ. Khi lập kế hoạch phải quyết tâm hoàn thành kế hoạch và quyết tâm thực hiện đúng, vượt mức kế hoạch đặt ra.
Bên cạnh đó, Người cũng nhấn mạnh tính đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Đó là một phong cách không cố chấp, bảo thủ, luôn đổi mới, sáng tạo. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm” *. Cuộc đời người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức động viên, khích lệ, gởi mở sự đổi mới, sáng tạo cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên cần lưu ý mọi sự sáng tạo đều không được thoát ly khỏi yêu cầu thực tế của tình hình cách mạng, phải bám sát chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng (các cấp) và của tổ chức. Đảng viên trẻ cần nhận thức rõ sức sáng tạo của mỗi người không phải là cái từ bên ngoài đưa vào, mà chính là phong cách làm việc do chính bản thân người Đảng viên trẻ xây dựng nên. Người Đảng viên phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là những tri thức liên quan đến lĩnh vực mà bản thân mình phụ trách, công tác.
Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo là vì Người có phẩm chất tốt và năng lực dồi dào. Có được kết quả đó là do cả một quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã học tập suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự làm chủ cuộc sống của mình và luôn luôn chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đối với Đảng viên trẻ chúng ta cần xác định học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị là nhiệm vụ suốt đời. Mỗi đảng viên trẻ cần phải tự xác định rõ về mình và tích cực giải quyết những mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, của địa phương, ngành, của cơ quan, đơn vị mình với trình độ bất cập của bản thân để xây dựng kế hoạch, xác định ý chí, quyết tâm thường xuyên tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ trí tuệ, kiến thức, năng lực cần thiết và phẩm chất đạo đức lối sống, phương pháp, tác phong công tác, làm việc của mình để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao.
2. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác
Theo Bác, trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội với gia đình, địa phương, tập thể, các tổ chức… Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương… Trách nhiệm còn được hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội. Tinh thần trách nhiệm khác với ý thức trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của Đảng viên trẻ là khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải "có gan phụ trách"*, dám nghĩ dám làm, chủ động, sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, … là không có tinh thần trách nhiệm.
Đảng viên trẻ cần nhận thức, rèn luyện trách nhiệm trong công tác ở hai điểm lớn. Thứ nhất là nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Khi đã nhận thức được trách nhiệm của mình thì phải luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình kể cả hi sinh bản thân mình vì lợi ích chung. Thứ hai, trách nhiệm đi liền với tinh thần tự phê bình, biết nhận trách nhiệm, không trốn tránh, đổ thừa. Đảng viên trẻ cần luôn cố gắng hết sức hoàn thành trách nhiệm được giao, không vì một chút khó khăn mà đã vội nản chí, không làm. Trong công việc, khi có sai sót thì biết tự nhận trách nhiệm, biết chỗ sai mà sửa chữa, không ngại xấu hổ mà trốn tránh trách nhiệm, đổ thừa cho người khác.
3. Xây dựng tính tiên phong, gương mẫu trong công tác
Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân” *. Người từng nhấn mạnh “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” *. Trong mọi hoạt động Đảng viên trẻ phải luôn luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình. Đảng viên trẻ không sợ khó, không sợ khổ mà phải đi tiên phong trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm. Đặc biệt tính tiên phong, gương mẫu thể hiện ở ba mặt: đối với mình, đối với người, đối với việc. Vì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong điều kiện cách mạng hiện nay, để rèn luyện tính tiên phong, gương mẫu Đảng viên trẻ chung ta cần thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, tiên phong, gương mẫu về nhận thức lý luận, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phải không ngừng tự bồi dưỡng, học tập về chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tương tưởng Hồ Chí Minh. Phải nhận thức đúng mô hình, những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng; những phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thứ hai, Đảng viên trẻ cần tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh, phẩm chất chính trị. Thứ ba, tiên phong, gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong công việc”. Đảng viên trẻ luôn phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích cá nhân, đặc biệt kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác; giữ gìn phẩm chất đạo đức không chỉ ở nơi công tác, mà còn trong các mối quan hệ xã hội và ở nơi cư trú, của cả bản thân và gia đình. Thứ tư, tiên phong, gương mẫu về trình độ, năng lực công tác. Đảng viên trẻ cần phải có kiến thức văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, pháp luật đủ khả năng tham gia với tổ chức đảng trong hoạt động lãnh đạo, với cơ quan nhà nước trong hoạt động quản lý và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác của bản thân. Sự tiên phong, gương mẫu của Đảng viên trẻ còn thể hiện ở công tác vận động, tổ chức, hướng dẫn nhân dân; đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong Đảng và trong xã hội. Thứ năm, tiên phong, gương mẫu về phong cách công tác, quan hệ mật thiết với nhân dân. Đảng viên trẻ phải rèn luyện phong cách làm việc thật sự khoa học, dân chủ, thiết thực, sáng tạo, coi trọng chất lượng và hiệu quả, gần gũi với nhân dân. Đó là tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Hằng ngày đều tự xem xét lại mình, xem xét cái gì đúng, cái gì sai, nguyên nhân vì đâu và suy nghĩ, tìm cách sửa chữa để làm việc tốt hơn, sống đẹp hơn. Cần khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, của quần chúng, của cấp dưới từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác.
Kết bài xin được nhấn mạnh lời dạy của Người để nhắn gửi mỗi Đảng viên trẻ hôm nay đó là: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công, vô tư. Mình đã chí công, vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ít…”*. Đảng viên trẻ hôm nay cần nêu cao tinh thần tu dưỡng, rèn luyện tác phong sáng tạo, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
(*) Tham khảo: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
TS. Đào Thị Sen, Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.