“Đến hẹn lại lên”, đúng theo lời “Hẹn mùa xuân sau” từ chuyến Du xuân năm Bính Thân 2016, ngày 12/2/2017, Công đoàn khoa Sinh học đã tổ chức cho cán bộ toàn khoa đi du xuân nhân dịp xuân mới Đinh Dậu - 2017.
Du xuân, nghĩa là đi chơi vào dịp xuân về, như đi lễ chùa, đi hái lộc, đi trẩy hội mùa xuân, ..., là một phong tục, một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Với hành trình về thăm chùa Thầy, chùa Trăm gian và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chuyến du xuân năm nay cũng là dịp để các cán bộ khoa Sinh học cùng các thành viên nhỏ của gia đình thể hiện sự kế tục và bảo tồn các giá trị tinh thần quý báu của dân tộc.
Dư âm của một năm 2016 thành công với nhiều hoạt động quan trọng, cùng với sự kiện ý nghĩa mở màn cho năm 2017 là Buổi họp mặt cán bộ và dâu, rể toàn khoa, chuyến du xuân năm nay nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo cán bộ nhất từ trước tới nay. Đặc biệt là sự có mặt của nhiều phu nhân của các thầy lớn tuổi. Đúng giờ đã định, ba chiếc xe du lịch chở đoàn du khách với gần 70 người lớn và hơn 20 trẻ em rộn ràng khởi hành về hướng chùa Thầy.
“Chùa Thầy còn gọi là chùa Cả, tên chữ là "Thiên Phúc Tự" thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Núi Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy vì đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước”. Do vậy mà chùa được gọi là chùa Thầy. Có thể nói, đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, với kiến trúc đẹp, nằm trong khung cảnh có hồ nước, có núi đá vôi, có hang động, ... Dừng chân bên bờ hồ, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ không gian thanh cảnh, hữu tình của chùa Thầy: giữa hồ là thủy đình, tòa nhà nhỏ vuông vắn, nơi diễn trò múa rối nước ngày hội chùa. Hai bên là hai cây cầu có mái (cầu Nhật Tiên và cầu Nguyệt Tiên). Thế đất “hàm rồng” với ngôi chùa là đầu rồng, hai cây cầu là râu rồng, doi đất trước chùa là lưỡi rồng và thủy đình là viên ngọc để rồng vờn, dãy núi Sài Sơn sau chùa là thân rồng.
Đoàn Khoa Sinh học trước thủy đình chùa Thầy
Đoàn du khách của khoa Sinh học đến thăm chùa Thầy dịp đầu xuân mới không chỉ được vãn cảnh chùa mà còn “có thể cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi đi giữa dòng người hành hương về nơi cảnh Bụt”. Tiếng chuông, tiếng mõ cùng mùi hương trầm ngan ngát làm cho tâm hồn con người thanh thản, tạm quên những ngày vất vả mưu sinh giữa chốn bụi trần và cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân và gia đình trong suốt năm tới.
Cán bộ khoa Sinh học bên cây đa trước chùa Thầy
Phong cảnh núi non của chùa Thầy cũng vô cùng hấp dẫn các du khách nhỏ tuổi. Với sự hướng dẫn của bố mẹ và các cô, chú, bác trong đoàn, các bạn rất thích thú khi được leo lên các mỏm núi đá vôi, đứng từ trên cao nhìn ngắm cánh đồng, dòng sông và những tòa nhà cao phía xa xa. Một số bạn sẽ không bao giờ quên một trải nghiệm tuyệt vời khi được cầm đèn pin, hồi hộp theo các bác vào khám phá Hang Cắc Cớ, một hang động sâu và tối.
Sau đó, đoàn tiếp tục hành trình đến chùa Trăm gian. Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ năm 1185 (đời Lý Cao Tông) với gác chuông hai tầng, tám mái được xây từ 1693 (đời Lê Hy Tông). Trong chuyến du xuân năm 2014, đoàn đã có dịp đến thăm, khi đó, ngôi chùa vẫn đang trong gian đoạn sửa chữa. Trở lại lần này, ngôi chùa đã hoàn thiện việc trùng tu, không gian và cảnh sắc trang nghiêm, vẫn đây cây hồng trà năm cũ, hoa nở thắm một góc chùa. Một số bạn nhỏ rất ham hiểu biết, thắc mắc tại sao lại gọi là chùa trăm gian đã được người lớn giải thích cặn kẽ. Các bạn cũng được bố mẹ dẫn đi giới thiệu về các tượng của các vị la hán trong chùa. Thật là một điều đáng mừng khi các giá trị văn hóa, tinh thần đặc sắc của dân tộc được truyền lại cho thế hệ trẻ trong những dịp như thế này. Các bạn bé xíu cũng tìm được niềm vui khi được tung tăng trong khu vui chơi ở bãi xe, còn các bố mẹ lại được dịp ngồi với nhau, vừa ngắm nhìn con thơ vui đùa, vừa hàn huyên những câu chuyện không bao giờ hết. Các du khách cũng không quên mua về cho gia đình những món quà lưu niệm là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những đồ chơi dân gian hay các sản vật của địa phương.
Đoàn Khoa Sinh học tại chùa Trăm gian
Điểm dừng chân cuối trong hành trình là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là “trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế.”
Đoàn Khoa Sinh học trước chùa Khơ me tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trên một không gian rộng lớn, hơn 1500ha, các di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam được tái hiện trong 4 khu làng các dân tộc và các khu chức năng khác. Không thể đủ thời gian để khám phá hết toàn bộ các địa điểm thăm quan trong Khu du lịch này, đoàn đã chọn đến thăm Khu làng III, nơi có chùa Khơ- me, khu quần thể Tháp Chăm và khu triển lãm ảnh. Với những ai chưa có điều kiện được đến Nam Bộ thăm chùa Khơ Me hay đến thăm Thánh địa Mỹ Sơn thì đây là cơ hội để được chiêm ngưỡng các nét văn hóa độc đáo trong các kiến trúc được phục dựng tại đây. “Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, quần thể tháp Chăm với ba tháp: tháp chính, tháp hỏa và tháp cổng được xây dựng với tỷ lệ tương đương với nhóm tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận và đây được coi là một trong những điểm nhấn trong tổng thể Khu các Làng dân tộc III. Ở cả 3 tháp, các hoa văn trang trí được kết hợp giữa các chi tiết đá sa thạch và được đục tay gắn vào, các tai lửa gốm được đục trực tiếp trên khối gạch xây. Các chi tiết đều khá cầu kỳ, tinh xảo. Ngoài ra, việc trang trí các ngưỡng đá, tượng đá cũng là nét nổi bật trong các công trình kiến trúc tín ngưỡng của người Chăm, bởi họ tin rằng bên trong các tảng đá đều có thần linh ngự trị và có thể mang lại cho họ điều may mắn.”
Đoàn Khoa Sinh học trước quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trong khi những thầy cô lớn tuổi đi thăm và chiêm ngưỡng các nét đẹp về văn hóa và kiến trúc thì đội trẻ đã phát hiện ra một hoạt động trải nghiệm thú vị: đạp xe khám phá khu du lịch. Nhìn những gia đình nhỏ tràn đầy hạnh phúc, vui đùa bên nhau, cùng đạp xe dong duổi trên các cung đường với một bên là hồ nước mênh mông, một bên là đồi thông xanh thẳm, thấp thoáng những ngôi nhà sàn, những bộ váy xòe đầy màu sắc của các thiếu nữ dân tộc. Giữa cái nắng mùa xuân ấm áp, bất chợt một làn gió hồ mát rượi lướt qua da mặt, một cảm giác thật khó tả, chỉ muốn giữ mãi giây phút này.
Đạp xe trong khuôn viên Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Và hành trình Du xuân của cán bộ khoa Sinh học đã kết thúc trong vị ngọt của những giọt sữa bò, sữa dê Ba Vì, trong những trải nghiệm thấm đượm văn hóa truyền thống, những giá trị tinh thần đầy ý nghĩa của dân tộc Việt Nam đã và đang được lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau. Một mùa xuân mới, sức sống mới như hứa hẹn nhiều thành công mới trong năm Con Gà của tập thể khoa Sinh học. Lại hẹn nhau mùa xuân tới nhé!
Nguồn bài và ảnh: Công đoàn Khoa Sinh học