Thưa các đồng chí lãnh đạo trong khoa,
Thưa nhiều thế hệ các bạn đồng nghiệp,
Các nghiên cứu sinh, các học viên cao học và các em sinh viên thân mến,
Hôm nay, nhân Ngày Nhà giáo, tôi rất sung sướng được gặp lại nhiều thế hệ các thầy giáo, cô giáo và cán bộ trong khoa, những người đã cùng tôi phấn đấu trong những năm xây dựng khoa. Tôi được phân công về trường Đại học Sư phạm từ năm 1958 ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, những năm đầu còn chung cơ sở với trường Đại học Tổng hợp ở 21 Lê Thánh Tông, sau một vài năm mới tách về cơ sở hiện nay của trường Đại học Sư phạm ở 136 Xuân Thủy, và tôi công tác ở khoa mãi đến năm 2002 mới về hưu.
Điều duy nhất tôi muốn phát biểu hôm nay là tôi rất tự hào về khoa Sinh học, có giai đoạn là khoa Sinh-Kỹ thuật Nông nghiệp do khoa Sinh học và khoa Kỹ thuật Nông nghiệp nhập làm một, nơi đã rèn luyện tôi trưởng thành, nơi đã cung cấp cho đất nước nhiều thầy giáo, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giỏi. Và tôi muốn các em sinh viên biết điều đó.
Người đầu tiên cần nhắc đến là GS. Lê Khả Kế, nhà thực vật học, người chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Sinh vật (trước đó thầy đã là chủ nhiệm khoa Hóa-Sinh-Địa), và là thầy giáo của hầu hết những thầy cô lớn tuổi hiện có mặt trong hội trường này. Năm 1963 thầy Kế chuyển về công tác ở Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Đến năm 1968, khi Viện Ngôn ngữ học được thành lập, thầy về công tác ở Viện này và trực tiếp biên soạn từ điển Anh-Việt và Việt-Anh; Pháp-Việt và Việt-Pháp; Hán-Việt; Nga-Việt, tất cả 24 cuốn, trong số này nhiều cuốn hiện nay vẫn được dùng rộng rãi trong cả nước.
Ảnh 1. GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái phát biểu tại buổi Gặp mặt kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Ảnh 2. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng khoa Sinh học tặng hoa chúc mừng GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái
Ảnh 3. GS.TSKH. NGND Thái Trần Bái chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng nghiệp cựu giáo chức khoa Sinh học
Trong số các thầy giáo, các nhà khoa học và các nhà quản lý giỏi trong khoa hoặc xuất phát từ khoa có ảnh hưởng rộng rãi khắp cả nước có thể kể rất nhiều: GS Lê Quang Long chủ trì nghiên cứu về Sinh lý Cá; GS Phan Nguyên Hồng, chuyên nghiên cứu về Rừng ngập mặn, được giải thưởng của nhà vua Nhật Bản; GS Trần Kiên, chuyên nghiên cứu về Lưỡng cư-Bò sát; GS Phạm Đình Thái, chuyên nghiên cứu về phân vi lượng; GS Trần Bá Hoành và PGS Nguyễn Quang Vinh, các chuyên gia đầu ngành về Phương pháp giảng dạy, GS “dân phong” Nguyễn Lân Hùng, người giúp nông dân làm giàu, chuyên nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm của dân về các cây trồng và các động vật nuôi có năng suất cao để nhân rộng trong cả nước, chủ trì và tác giả biên soạn bộ sách 100 nghề cho Nông dân, được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nhà khoa học của nhà Nông năm 2018; GS Nguyễn Hoàng Trí, nhân tài đất Việt (danh hiệu do Hội Khuyến học Việt Nam tặng năm 2010), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Con người và Sinh quyển, người đã có công lớn trong thiết lập 11 Khu dự trữ Sinh quyển của Việt Nam để UNESCO công nhận, tác giả của nhiều công trình chuyên sâu về hệ sinh thái Rừng ngập mặn Việt Nam (2006), về Lượng giá kinh tế HST Rừng ngập mặn (2001), về Sinh quyển và các khu dự trữ Sinh quyển VN (2009), về Sinh thái Nhân văn (2009); PGS Mai Sỹ Tuấn, nguyên chủ nhiệm khoa ta, người chủ trì bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tham dự các kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế và đang chủ trì biên soạn sách giáo khoa mới cho giáo dục phổ thông.
Về các nhà quản lý giỏi. Khoa ta đã cung cấp cho đất nước 3 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: PGS Trần Xuân Nhĩ, PGS Lương Ngọc Toản (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) và TS Nguyễn Vinh Hiển. Riêng PGS Trần Xuân Nhĩ, trước khi là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã là Hiệu trưởng của trường CĐSP Đà Nẵng, Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn và với thành tích xuất sắc trong xây dựng 2 trường này đã được điều ra Bộ làm Thứ trưởng. Trong những năm làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS Trần Xuân Nhĩ đã thiết kế hệ thống các trường Dân tộc Nội Trú cho con em đồng bào dân tộc. GS Hoàng Đức Nhuận, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục; GS Đinh Quang Báo, nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện nay là chuyên gia cao cấp của Bộ GD&ĐT góp phần xây dựng bộ sách Giáo khoa cho Phổ thông đáp ứng nhu cầu Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. PGS Trần Văn Ba nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐHSPHN. Cặp vợ chồng TS Võ Thế Quân và TS Lưu Thị Khánh đã hiện thực hóa một mẫu trường Tư thục tiếp nối từ Tiểu học đến Trung học Đông Đô ven bờ Hồ Tây đầy sáng tạo, nhằm đào tạo từ sớm các thế hệ học sinh toàn diện cho đất nước. Nnăm 2021, Trường Đông Đô đã tổ chức kỷ niệm ngày sinh nhật Trường lần thứ 30…
Các nhân vật mà tôi vừa kể là những ví dụ tiêu biểu, hẳn còn thiếu rất nhiều, nhất là đối với các thế hệ sau chúng tôi, nhưng chỉ chừng ấy đại diện cũng đủ cho chúng ta thấy sự đóng góp giàu màu sắc của khoa Sinh học đối với đất nước. Nếu nhìn sự đóng góp của toàn khoa, thì khoa ta có những đóng góp rất độc đáo, xin kể 2 ví dụ. Khoa ta đã có 5 Tiến sĩ, đã bảo vệ luận văn Cấp 2, theo chủ trương sáng tạo riêng có của trường ĐHSP Hà Nội, trước khi nhà nước có chủ trương đào tạo Tiến sĩ trong nước. Sau khi nhà nước có chủ trương này, đã mặc nhiên được công nhận học vị Tiến sĩ Sinh học. Đó là GS Lê Quang Long bảo vệ luận án cấp 2 về Sinh lý Cá, là GS Phan Nguyên Hồng bảo vệ luận án cấp 2 về Rừng ngập mặn, GS Phan Cự Nhân bảo vệ luận án cấp 2 về Di truyền học, GS Trần Bá Hoành và PGS Nguyễn Quang Vinh bảo vệ luận án cấp 2 về Phương pháp giảng dạy. Ví dụ thứ hai, trong phong trào Cần công kiệm học, khoa ta đã tổ chức các bộ phận sản xuất đồ dùng dạy học phục vụ cho giáo dục phổ thông, bộ phận sản xuất bằng thạch cao do thầy Trần Xuân Nhĩ phụ trách và bộ phận làm mẫu ngâm động vật do tôi phụ trách. Chính các bộ phận này đã là tiền thân để xây dựng Xưởng Đồ dùng dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sau.
Với những điều vừa kể, tôi rất tự hào mình là thành viên của khoa Sinh học.
Có được các kết quả trên, có lẽ bắt nguồn từ nhận thức rất đúng đắn thời bấy giờ là người thầy giáo Đại học Sư phạm bản thân phải là người nghiên cứu khoa học thì mới đào tạo được những nhà giáo tương lai giỏi toàn diện.
Để kết thúc, xin chúc:
Các đồng nghiệp đang công tác tích lũy được nhiều kiến thức về sinh học và sư phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Khoa.
Các đồng nghiệp đã về hưu sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc.
Các nghiên cứu sinh và học viên cao học hoàn thành xuất sắc công trình nghiên cứu của mình.
Các em sinh viên sớm tìm thấy vẻ đẹp của Sinh học và hạnh phúc của Sự nghiệp trồng người để học giỏi và rèn luyện toàn diện.
Riêng tôi xin hứa sẽ cố gắng giữ sức khỏe để 20/11 năm sau còn gặp lại các bạn./.
Nguồn ảnh: Khoa Sinh học