Tháng Ba, có lẽ đối với mỗi chúng ta là một tháng rộn ràng cảm xúc. Tháng Ba đỏ rực hoa gạo, tháng Ba trắng muốt hoa sưa và tháng Ba thơm nồng hoa bưởi. Tháng Ba phảng phất những cơn mưa xuân, những hạt mưa li ti đọng trên lá, trên má và trên tóc người thương. Tháng Ba, có một ngày (giờ đây hẳn là không chỉ một ngày mà cả tuần, cả tháng) mà triệu triệu trái tim của một nửa thế giới cảm nhận được niềm hạnh phúc trào dâng với những tình cảm, những yêu thương mà nửa thế giới còn lại dành cho.
Trong một ngày tháng Ba ý nghĩa, ngày 10/3/2019, Khoa Sinh học đã tổ chức chuyến Du xuân đầu năm cho toàn thể cán bộ cùng gia đình tại Ninh Bình. Vốn là thông lệ hằng năm thế mà chẳng ai giấu được niềm mong đợi bởi đây là dịp quý giá để các thành viên trong mỗi gia đình được cùng trải nghiệm trong không gian ngoài trời, trong sự kết nối và giao lưu với các gia đình của các cán bộ trong Khoa. Vui nhất là các bạn nhỏ, gặp nhau mừng vui hớn hở, thao thao các câu chuyện tuổi thơ như không bao giờ hết.
Điểm đến đầu tiên trên mảnh đất Ninh Bình tươi đẹp đó là Đền Thái Vi. “Đền Thái Vi nằm ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư là nơi thờ các vua đầu nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Thuận Thiên. Đền Thái Vi còn được biết đến như một ngôi đền có nhiều đặc điểm kiến trúc độc đáo: tất cả các cột đều làm bằng các tảng đá xanh nguyên khối cao to, được chạm khắc rất công phu. Thềm có cấu trúc mái. Trước đền có giếng ngọc xây bằng đá xanh, phía ngoài của Nghi môn đặt hai con ngựa bằng đá xanh nguyên khối”. Cả đoàn được trải bước trên con đường nhỏ dẫn vào đền, hai bên là đồng lúa xanh mượt mà, xen kẽ với những dãy núi xanh vời vợi, thật không hổ danh khi nơi đây được ví là “Hạ Long cạn” của Việt Nam. Trong cơn mưa xuân lất phất, hòa mình trong cảnh sắc nên thơ và không gian thanh bình như vậy, lòng người như trải rộng ra, bao bộn bề lo toan tan biến, chỉ còn những nụ cười dịu dàng, những ánh mắt trìu mến và những câu chuyện vui tươi.
Điểm đến tiếp theo của Đoàn là Chùa Bích Động. Ấn tượng đầu tiên khi dừng chân trước cổng vào chùa là cây gạo cổ thụ, những bông hoa gạo đỏ thắm, đàn chim vành khuyên ríu rít chuyền cành. “Bích Động có nghĩa là động Xanh, tên chùa do Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767 - 1782) đã đến thăm chùa khoảng năm Giáp Ngọ (1774), và đặt tên cho chùa. Cõ lẽ khi chúa Trịnh Sâm đến đây, nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh nên phải là Động Xanh, cái tên rất đẹp và mộng mơ. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ nên cũng như những ngôi chùa khác được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói ta. Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng. Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoại mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là ''Bích sơn bát cảnh'', ba chùa lại được xây trên sườn núi cao, dưới gầm lại có động Xuyên Thuỷ.” Các bạn nhỏ rất thích thú khi lần thứ hai đi chùa lại được đi xuyên qua hang tối rồi leo lên núi cao, nhìn ngắm cảnh vật từ trên cao xuống. Lần trước cũng nhân dịp chuyến Du xuân của Khoa, các bạn nhỏ đã được đi vào động khám phá và leo núi tại Chùa Thầy.
Sau khi vãn cảnh và dâng hương lễ Phật tại chùa Bích Động, cầu mong một năm mới tốt lành cho tập thể Khoa Sinh học, cho toàn thể cán bộ và gia đình, Đoàn di chuyển sang điểm cuối trong hành trình là Khu Du lịch Sinh thái Vườn chim Thung Nham.
Tại đây, các cán bộ nam của Khoa đã tổ chức kỷ niệm ngày 8/3 cho toàn thể các chị em. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng khoa Sinh học đã thay mặt anh em gửi tới toàn thể các chị em bó hoa tươi thắm và những phong kẹo Sôcôla ngọt ngào, thể hiện cho tình cảm yêu thương và sự trân trọng của các anh em dành cho các chị em. Thay mặt cho các chị em, PGS.TS. Trần Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa và TS. Điêu Thị Mai Hoa, Chủ tịch Công đoàn Khoa đã nhận hoa, quà và cảm ơn tình cảm nồng ấm của các anh em.
Buổi chiều, tại Khu du lịch Sinh thái Vườn chim Thung Nham, Đoàn Khoa Sinh học đã trải nghiệm đi thuyền thăm Hang Bụt và Vườn chim. “Hang Bụt là hang đá tự nhiên dài gần 500m, nơi rộng nhất là 70m và nơi cao nhất là 30m với những tấm nhũ đá rủ xuống lấp lánh nhiều màu sắc, nhiều hình thù kỳ ảo, lạ mắt sẽ kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng và niềm đam mê khám phá của du khách, đặc biệt là các du khách nhỏ tuổi. Nằm chính giữa hang là một tấm nhũ đá cao 1,5m rộng 2m, có hình ông bụt như đang hiện hữu ngồi bên cạnh dòng sông ngầm để ban tặng những điều may mắn và tốt lành cho du khách”.
“Vườn chim, điểm đặc sắc nhất ở Thung Nham, nằm ở trên một vùng ngập nước, nơi có nhiều cây xanh, những bụi lau, sậy rậm rạp thích hợp để các loài chim làm tổ, sinh sống”. Đoàn khoa Sinh học được trải nghiệm chuyến du ngoạn trên thuyền, giữa dòng nước trong xanh dịu mát để khám phá vườn chim, “được chiêm ngưỡng cảnh sắc giao hòa giữa hồ và núi, cỏ cây và chim muông”. “Vườn chim Thung Nham là nơi tụ hội của nhiều loài chim như cò, vạc, sáo, le le…, nhiều nhất là cò trắng. Ngoài ra, hằng hạc và phượng hoàng - 2 loài chim đặc biệt quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, cũng hiện diện ở đây”. Tuy chưa phải chiều muộn để được bắt gặp được cảnh cánh chim ngợp trời nhưng Đoàn khoa Sinh học cũng may mắn đã được chứng kiến từng đàn chim lẻ tẻ bay về tổ sau một ngày vất vả đi kiếm ăn. Các bạn nhỏ vô cùng thích thú khi được tận mắt nhìn thấy các chú cò, chú vạc vắt vẻo trên cành cây hay trong các tổ ấm nhỏ xinh được làm từ cỏ cây. Đôi lúc còn được nhìn rõ sải cánh rộng của các chú chim lượn ngay trên đầu mình.
Khu du lịch Thung Nham được xây dựng trên một khu thung lũng rộng lớn, nằm giữa những ngọn núi với nhiều hạng mục công trình phục vụ khách du lịch. Các du khách trong Đoàn đã có dịp dạo chơi dưới những con đường rợp lá, nghe tiếng gió ru và tiếng chim hót ríu ran. Qua vườn cây trái, đúng vào mùa hoa bưởi, những chùm hoa trắng muốt, thơm ngào ngạt như “nói hộ tình yêu”. Các du khách cũng được thỏa sức tạo dáng chụp ảnh bên những đồi hoa khoe sắc rực rỡ. Các bạn nhỏ cũng không bỏ dỡ dịp được đạp xe để khám phá thiên nhiên, cây cối, chim muông trong khu Du lịch.
Hành trình du xuân đầu năm của Khoa Sinh học đã kết thúc và để lại nhiều vấn vương. Tất cả mọi người đều đã có những giây phút thư thái trong khung cảnh yên bình của trời mây non nước, của núi rừng ngát xanh, của thiên nhiên giao hòa. Chúng ta lại hẹn nhau trong mùa xuân tới.
Bài và ảnh: Công đoàn Khoa Sinh học