Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận và vai trò của dân vận
Ở thế kỷ XV, Nguyễn Trãi bằng khảo cứu lịch sử và trải nghiệm thực tế đã khái quát: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Dân như nước, nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền.
Trong lịch sử cũng như hiện tại, nhận thức đầy đủ về vai trò của dân, mặc dù không phải ai, lực lượng chính trị nào cũng đạt được, nhưng dẫu sao đó chỉ là bước khởi đầu, quan trọng hơn đối với nhà nước là tìm kiếm được những giải pháp để dưỡng dân, huy động sức dân, làm cho sức dân thực sự là “sức nước” - động lực của mọi tiến trình - từ dựng nước đến giữ nước; từ việc bảo vệ nền độc lập dân tộc đến dựng xây, phát triển đất nước.
Công tác vận động Nhân dân thường được gọi là công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhờ kế thừa những giá trị tinh hoa trong truyền thống tư tưởng của dân tộc và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta luôn khẳng định và thực hành những chính sách để phát huy vai trò của nhân dân. Ngay trong giai đoạn kháng chiến, kiến quốc, trong câu kết của bài “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tinh thần đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đặc biệt, từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều quyết sách, nhờ đó công tác dân vận đã được triển khai thường xuyên, sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới; nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân; hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được kiện toàn, củng cố, đổi mới phương thức hoạt động; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Đã có nhiều hình thức vận động nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên các tổ chức hội, đoàn được chăm lo, bảo vệ; công tác tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng; công tác giáo dục thế hệ trẻ được quan tâm…
Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng ta, có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, gắn liền với từng bước trưởng thành của Đảng, dân vận và gắn bó với Nhân dân trở thành một truyền thống tốt đẹp của Đảng ta. Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI đã nêu rõ các quan điểm của công tác dân vận:
+ Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ.
+ Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân; kết hợp hài hoà các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
+ Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để Nhân dân tin tưởng, noi theo.
+ Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Mặc dù phương châm “gần dân, trọng dân” luôn được Bác Hồ khẳng định và nêu gương thực hành và tất cả điều này đã thể hiện rõ trong nội dung các chuyên đề “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhưng vẫn có không ít cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức chỉ coi đó như là khẩu hiệu. Vẫn có tình trạng các quyết sách, những dự án, những chương trình của bộ, ban ngành, địa phương liên quan đến quốc kế, dân sinh… mà dân chưa được biết, bàn thảo, hiến kế; thậm chí khi kết thúc một công trình, một dự án, dân không biết nguồn quỹ do mình đóng góp đã được sử dụng ra sao. Từ việc “không coi trọng ý kiến của những người bình thường” (cách nói của Bác Hồ) trong cách xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện chính sách công, tất yếu quan liêu, xa dân. Đánh giá tình trạng này, trong các Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ XII, Đảng đã chỉ ra các biểu hiện. Từ phương diện vận hành của tổ chức bộ máy quyền lực, đáng quan tâm là: “Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu”; còn từ phương diện phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ thì: “…Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, uy tín thấp, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Có thể nói, đó là dấu hiệu cho thấy sự “tha hoá quyền lực” đã xuất hiện. Bởi thế, ngăn ngừa và khắc phục những sai lệch, những căn bệnh nói trên là yêu cầu cấp thiết đối với các cấp lãnh đạo, quản lý, trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị hiện nay
Tấm gương điển hình “dân vận khéo”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “Dân Vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Mấy chục năm qua, những lời Bác dạy đã trở thành ý thức chính trị và là phương châm hành động cách mạng cho mỗi cán bộ, Đảng viên.
Cô Mai Thị Hằng sinh ra và lớn lên tại Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Cô tốt nghiệp tại Nga và sau đó cô về làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Sinh – Kỹ Thuật Nông nghiệp. Sau một thời gian công tác cô được đi học nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Cô về nước và là giảng viên với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, say mê với công việc nghiên cứu, không ngại khó khăn. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn truyền đạt những kiến thức đã được học ở giảng đường cho các em sinh viên bằng cả tấm lòng, trái tim, hết mực yêu thương quan tâm học trò. Cô luôn luôn quan tâm những sinh viên gặp khó khăn trong học tập, tìm biện pháp phù hợp để giảng dạy và giúp đỡ động viên học sinh, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn động viên học sinh yên tâm học tập nội trú tại trường. Với sự nỗ lực trong giảng dạy, nhiều năm liền cô luôn hoàn thành xuất sắc trong giảng dạy và được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Công nghệ Sinh học – Vi sinh.
Cô không ngừng chỉ đạo đổi mới trong công tác lãnh chỉ đạo chuyên môn trong bộ môn, hằng năm cô đều xin được các xuất học bổng cho cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đi học tại nước ngoài. Với kinh nghiệm của bản thân và lòng nhiệt huyết với nghề Cô đã chỉ đạo chuyên môn trong bộ môn ngày một phát triển. Chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên vận dụng các phương pháp mới linh hoạt mang lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục. Ngoài đổi mới chuyên môn Cô đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên giỏi, giúp đỡ giáo viên mới ra trường còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy cô tận tình hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, cô thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ để đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài công tác chuyên môn Cô còn chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn, nâng cao chất lượng giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nâng cao kỹ năng sống cho sinh viên. Giúp sinh viên năng động, sáng tạo, tự tin hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực mà Cô còn là một tấm gương “Dân vận khéo” để chúng em học tập và noi theo. Việc làm đó của cô rất có ý nghĩa, không những giúp đỡ các cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đi học tại nước ngoài mà còn tạo công ăn việc làm cho cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có thêm thu nhập.
"Giỏi việc nước, đảm việc nhà" là danh hiệu xã hội dành tặng để tôn vinh người phụ nữ, nhưng đồng thời cũng đặt lên họ hai trọng trách lớn lao: việc nước - việc nhà. Làm tròn hai chức trách ấy, dễ mà cũng thật khó với từng người phụ nữ. Cô là người như thế vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Người phụ nữ như bao người phụ nữ Việt Nam đảm đang, trung hậu mà tự trọng, tự tin; bình dị, lặng thầm, đầy nghị lực và tiềm ẩn biết bao vẻ đẹp tâm hồn đáng quý.
Tống Thị Mơ - Bộ môn CNSH-Vi sinh