Khi nhắc đến một tấm gương điển hình tiêu biểu nào đấy, chắc mọi người sẽ hình dung ra một con người tài giỏi, uyên bác, có rất nhiều thành tích vượt trội nhưng tôi xin kể về một người “bình thường” hết sức thầm lặng nhưng công việc của anh luôn khiến tôi nể phục.
Khoa Sinh học là một trong những khoa thực nghiệm trong trường, và khu vườn thực nghiệm là một nơi không thể thiếu đối với cán bộ và sinh viên trong khoa. Đó là nơi các em sinh viên được tiến thành những thí nghiệm thực tế về các loài thực vật, động vật đã được học lý thuyết trên giảng đường, là nơi các thầy cô thực hiện những đề tài thực nghiệm từ cấp cơ sở cho đến cấp Nhà nước. Những năm gần đây do sự thay đổi trong lĩnh vực nghiên cứu và chương trình trung học phổ thông kéo theo đó là chương trình đào tạo của Khoa, của Trường, Đảng uỷ, Ban Chủ nhiệm Khoa xác định thêm nhiệm vụ mới cho khu vườn thực nghiệm thành nơi học tâp trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông trong khu vực. Để làm được điều đó không hề đơn giản. Công việc quản lý và chăm sóc vườn được khoa giao cho anh Ngô Văn Phương phụ trách. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng có bắt tay vào làm thì mới hiểu được nỗi vất vả cực nhọc của anh.
Khu vườn thực nghiệm sau một thời gian khá dài các đề tài thực nghiệm tại vườn ít, một số khu bị bỏ ngỏ cỏ mọc, thậm chí một vài nơi trong vườn còn là nơi mọi người “để tạm” những đồ chưa dùng đến hay chờ thanh lý. Làm thế nào để vườn thực nghiệm trở về với đúng nghĩa của nó? Câu hỏi đó là niềm trăn trở và cũng đã tốn rất nhiều thời gian và công sức của Ban chủ nhiệm khoa cũng như các thầy cô trong khoa. Một số biện pháp đã được đưa ra như giao khu cho các bộ môn có liên quan, sinh viên các lớp đăng kí công trình thanh niên, khu vườn kiểu mẫu tự thiết kế, xây dựng và quản lí. Ban đầu mọi người rất phấn khởi hăng say nhưng khi bắt tay vào làm chỉ được một thời gian là thấy nản vì làm vườn đâu phải dễ, cây và hoa các cô trò trồng chưa kịp lên thì cỏ dại đã mọc tốt hơn cây, làm mãi không xuể nên chán nản lại bỏ dở giữa chừng.
Với trách nhiệm của người quản lý vườn anh Phương rất băn khoăn trăn trở, không thể để nơi mình quản lý chăm sóc mà lại để “hoang vu” như vậy được, như thế là gây lãng phí rất lớn đất đai tài sản của khoa và của trường. Ngày đêm anh mày mò tìm cách cải tạo vườn, diệt cỏ mà không phải dùng đến hóa chất theo đúng phương châm của các nhà sinh học. Bà con nông dân hay dùng phương pháp che bạt nilon cho cỏ không mọc được nhưng như thế lại thải ra môi trường một lượng lớn rác thải nhựa, hoặc dùng thuốc diệt cỏ thì rất độc hại. Và thế là trong một năm qua, hình ảnh anh ngày ngày quét dọn cắt tỉa cây, đối với những loại cỏ dại sinh sản bằng thân hoặc hạt anh dùng phương pháp cuốc đi, cuốc lại đất nhiều lần còn đối với cỏ gấu loại cỏ mà sức sống rất “mãnh liệt” củ lại ăn sâu dưới đất rất khó xử lý, anh lại kiên trì cẫn mẫn đào từng nắm đất, nhặt từng củ gấu. Công việc cuốc đất và nhặt củ gấu không chỉ làm một lần là hết cỏ ngay mà phải làm đi làm lại nhiều lần. Những hôm trời mát thì còn có vẻ dễ chịu nhưng với những ngày mùa đông mưa phùn se hạnh hay khi mùa hè ngoài trời có khi vượt ngưỡng 40oC thì quả là vất vả. Mặc dù vậy anh vẫn miệt mài làm việc, nhiều khi tôi có đùa hỏi anh rằng anh có thấy vất vả và nhàm chán không khi một người đàn ông mà chọn công việc đó, mặc dù mồ hôi chảy thành dòng nhưng anh vẫn cười tươi bảo anh cảm thấy rất vui và thấy việc mình làm có ý nghĩa, mỗi người lao động và cống hiến theo một cách khác nhau tùy năng lực của từng người miễn sao mình thấy vui và việc mình làm có ý nghĩa là được.
Không phụ công sức của anh, bây giờ bất cứ ai bước chân vào vườn thực nghiệm của khoa cũng không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của khu vườn. Giàn hoa tigon lúc nào cũng rủ xuống những chùm hoa màu hồng nhỏ xinh rất đỗi dịu dàng, những khóm hồng khoe sắc rực rỡ, luống hoa nhài trắng tinh thanh khiết tỏa hương thơm ngát làm dịu cái nắng hè oi ả. Từ những khu vực được anh dày công chăm sóc, cây cối đua nhau khoe sắc, đâm chồi, nảy lộc. Các cán bộ, các sinh viên, học viên trong Khoa đến học hỏi kinh nghiệm, được anh hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình về kĩ thuật làm vườn, đặc tính riêng của từng khu vực trong vườn. Mỗi người như được tiếp thêm lửa, tình yêu với cây trồng, them niềm tin vào những gì bỏ công sẽ đến ngày gặp hái. Và đến nay, những khu dành riêng cho thí nghiệm (khu trồng cúc, trồng khoai môn, trồng ngô, trồng cà, khu ươm cây mô…) cũng sạch sẽ gọn gàng đến lạ. Tất có có được từ chính sự miệt mài, cần mẫn, nhiệt tình của anh đã giúp nhiều cán bộ và học sinh sinh viên được tiếp thêm động lực cảm thấy mình yêu cây, yêu vườn, yêu khoa hơn, có trách nhiệm với khu vườn hơn. Rất nhiều người bắt đầu mua thêm cây về trồng, không chỉ trồng ở vườn trường và còn mang cả về nhà. Sau mỗi ngày làm việc trong phòng thí nghiệm với máy móc thiết bị nhiều chúng tôi không quên tranh thủ ra khu vườn chăm cây, ngắn hoa, ngắm cá, thưởng thức những âm thanh của những chú chim sâu, những con ếch ộp nghe vui tai đến là thường và trò chuyện, trao đổi cùng anh. Với tôi anh là người làm vườn thật tuyệt vời!
Một số hình ảnh về anh:
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Tho - Văn phòng khoa Sinh học