Di sản Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thời Lý. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Hoàng thành Thăng Long được nhà Lý xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành (tam trùng thành quách), trong đó, vòng trong cùng – Cấm Thành – và vòng thứ hai – Hoàng thành – tạo thành một thể tương đối thống nhất là nơi ở và làm việc của vua. Vòng thành thứ ba là thành Đại La, hay La Thành, bao bọc quanh khu ở của quan lại, nhân dân và các phố phường – gọi là khu vực Kinh thành.
Phần thành bao quanh Hoàng thành ban đầu được đắp đất, sau đó được gia cố và xây bằng gạch. Phía ngoài thành này được đào ngòi ngự, nối với dòng Nhị Hà. Theo hệ thống này, thuyền rồng có thể xuôi dòng vào Đại Nội. Trải qua các đời vua triều Lý, Hoàng Thành Thăng Long được xây dựng ngày càng bề thế, tráng lệ, xứng tầm là kinh đô của “sông núi nước Nam”.
Hoàng thành có bốn cửa. Tường Phù (cửa phía Đông) thuộc phố Hàng Buồm ngày nay. Quảng Phúc (cửa phía Tây) thuộc khu vực đường Hùng Vương ngày nay. Đại Hưng (cửa phía Nam) thuộc khu vực Cửa Nam hiện nay. Diệu Đức (cửa phía Bắc) trên phố Phan Đình Phùng ngày nay. Cửa Bắc, di tích cửa còn lại duy nhất ngày nay, được nhà Nguyễn xây dựng năm 1805 trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu. Đứng trên cổng thành, quan quân có thể phóng tầm mắt bao quát khắp trong ngoài thành.
Trong Hoàng Thành có núi Nùng, ngọn núi thiêng được coi là rốn rồng (Long Đỗ). Nhà Lý cho dựng cung Càn Nguyên. Lý Thái Tổ đã chọn trung tâm của trời đất đặt ngai vàng để trị nước. Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ, điện Kính Thiên được xây dựng ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần và được và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên và xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh tại đây, được gọi là nhà Con Rồng (hay còn gọi là Long Trì), do phía trước và sau đều có rồng đá chầu. Sau ngày 10/10/1954, khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, khu vực này trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng. Năm 2004, Bộ Quốc phòng bàn giao lại UBND thành phố Hà Nội quản lý.
Đoan Môn là cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính Thiên. Đoan Môn gồm năm cổng xây bằng đá. Đây là cửa chính quan trọng nhất của Cấm Thành Thăng Long qua các thời Lý – Trần – Lê, được xây dựng theo cấu trúc điện môn. Phía Nam trục điện Kính Thiên - Đoan Môn là Tam Môn, khoảng năm 1812–1814, triều Nguyễn phá, xây Cột Cờ tạo một trục Kính Thiên - Đoan Môn - Cột Cờ.
Và có rất nhiều các di tích, vật chứng thú vị nơi Hoàng thành đang chờ các đồng chí đến khám phá và suy ngẫm.
Nguồn tư liệu:
https://hoangthanhthanglong.com
Sau đây là một số ảnh lưu niệm của buổi sinh hoạt:
Ảnh 1. Một ô cửa xưa
Ảnh 2. Trước cổng Đoan Môn
Ảnh 3. Trong khuôn viên khu di tích
Ảnh 4. Trước Cột cờ Hà Nội
Bài: Đ/c Trần Thị Thanh Bình
Ảnh: Đỗ Thị Hồng