“Dân Vận khéo thì việc gì cũng thành công” là câu kết của bài báo “Dân vận” do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 15/10/1949 trên Báo Sự Thật. Mấy chục năm qua, những lời Bác dạy đã trở thành ý thức chính trị và là phương châm hành động cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Là Phó trưởng bộ môn Sinh lý học người và động vật, khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Lê Thị Tuyết được tất cả cán bộ trong bộ môn cũng như trong toàn khoa vô cùng tín nhiệm bởi sự khéo léo trong công tác dân vận.
Khi gặp gỡ chị, không ai nghĩ chị đã gần 40 tuổi bởi sự trẻ trung, nhanh nhẹn và đầy nhiệt huyết đóng góp cho Khoa Sinh học. Tìm hiểu về chị, tôi được biết chị sinh ra và lớn lên tại Thanh Hoá. Chị bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2016, đến nay chị đã có số lượng công trình nghiên cứu đồ sộ cả ở trong nước và quốc tế. Từ khi chị làm phó trưởng bộ môn, cùng với trưởng bộ môn, chị lãnh đạo các cán bộ trong bộ môn đoàn kết, hết lòng vì công việc chung. Cán bộ trong bộ môn đều tin vào tài năng lãnh đạo của chị, hiểu con người chị cũng như cách làm của chị.
Chị Lê Thị Tuyết (giữa) cùng hai cán bộ hướng dẫn trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2016
Chị luôn là người đi đầu trong các phong trào của Khoa, của Trường, luôn tuyên truyền thấu tình đạt lý cho cán bộ những chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước để rồi từ đó dân tin vào Đảng, vào chính quyền. Cùng với uy tín, và tài dân vận khéo léo của mình, chị đã góp phần tạo nên một môi trường làm việc hài hoà, có sự phối hợp tương trợ lẫn nhau, mỗi cán bộ đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành thật tốt công việc của mình mà không có biểu hiện cục bộ, ganh tị, bè phái, đố kỵ, lợi ích nhóm. Nhờ đó, Bộ môn Sinh lý học người và động vật luôn chan hoà tiếng cười nhưng cũng đạt được rất nhiều thành tích dành cho tập thể và cá nhân như Bộ môn xuất sắc, Bằng khen của Bộ trưởng, Bằng khen của Hiệu trưởng, Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chiến sĩ thi đua, Giải thưởng quả cầu vàng, giải thưởng sáng tạo trẻ… Số lượng bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí trong nước và quốc tế của các cán bộ trong bộ môn cũng thường đứng đầu khoa.
Chị Lê Thị Tuyết (thứ tư từ trái sang) cùng các cán bộ trong bộ môn tham dự Hội thảo toàn quốc về nghiên cứu và giảng dạy Sinh học
Hơn thế nữa, chị Tuyết còn là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức khoa Sinh học (nhiệm kỳ 2017-2022). Dưới sự chỉ đạo cũng như nhờ tài dân vận khéo của chị, Chi hội ngày càng phát triển vững mạnh với 3 Phó giáo sư được bộ nhiệm, 2 Tiến sĩ bảo vệ thành công. Chi hội đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, thu hút đông đảo nữ trí thức trong Khoa tham gia và cũng đạt được một số khen thưởng nhất định. Nhiều thành viên của Chi hội đã được Hội Nữ Trí thức Việt Nam khen thưởng Nữ Trí thức tiêu biểu, Hội viên xuất sắc, Nữ Trí thức có thành tích nghiên cứu khoa học. Nhờ sự lãnh đạo tâm huyết và trách nhiệm của chị, Chi hội nữ trí thức khoa Sinh học cũng vinh dự nhận được Giấy khen Chi hội có thành tích xuất sắc.
TS. Lê Thị Tuyết (giữa) nhận hoa chúc mừng trúng cử Ban chấp hành Chi hội Nữ trí thức khoa Sinh học nhiệm kỳ 2017-2022 từ trưởng khoa PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn
Bên cạnh làm việc hiệu quả, chị Tuyết còn luôn vận động cán bộ trong bộ môn nhiệt tình tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao.
Chị Lê Thị Tuyết (thứ tư từ phải sang) cùng các cán bộ trong bộ môn tham gia phong trào thể thao
Tôi còn nhớ một thời gian dài các phong trào của cán bộ rất trầm lắng, nhưng khi chị Tuyết làm phó trưởng bộ môn, với tài dân vận của mình, chị đã vực dậy mọi thứ tưởng chừng như ngủ yên mãi mãi. Phong trào văn nghệ của bộ môn được phát triển mạnh với sự tham gia vào các cuộc thi như Rạng rỡ sắc xuân, văn nghệ chào mừng 20/10, 20/11, 8/3… Rồi các phong trào thể thao với đội cầu lông, bóng truyền, kéo co… cũng được thúc đẩy và phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, chị còn là một giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý sinh viên đầy nhiệt huyết. Từ các cuộc vận động hưởng ứng phong trào sinh viên tình nguyện, phong trào nói không với rác thải nhựa, ngày đền ơn đáp nghĩa 27/7, đến ủng hộ vì người nghèo, đồng bào lũ lụt… những phong trào mà trước đây sinh viên rất thờ ơ và cho rằng đó không phải là nghĩa vụ của mình thì nay sinh viên đã thực sự ý thức được và thực hiện một cách nghiêm túc.
Trong mắt tôi và cán bộ Bộ môn Sinh lý học người và động vật, chị Lê Thị Tuyết luôn là người mẫu mực, là một công dân tốt, là một “dân vận viên” gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cá nhân tôi tin tưởng rằng, với những nỗ lực, cố gắng của mình chị sẽ có những cách làm hay hơn nữa để đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước ngày càng gần dân, sát dân hơn nữa để dân tin vào đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Chị thực sự xứng đáng là tấm gương “Dân vận khéo” để mọi người học hỏi. Tấm gương của chị một lần nữa đã chứng minh câu nói của Bác: “Dân Vận khéo thì việc gì cũng thành công” là hoàn toàn đúng đắn.
Bài dự thi đạt giải Ba cấp Trường của công đoàn viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bộ môn SLN&ĐV