“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ ấy lòng tôi lại bâng khuâng, xao xuyến, lại bùi ngùi và nghĩ tới thầy giáo của cuộc đời tôi - PGS.TS. NGND. Lê Đình Trung – Nguyên trưởng phòng Khoa học công nghệ, Nguyên phó trưởng khoa Sinh học, Nguyên trưởng bộ môn Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Sinh học.
Cứ như PGS.TS. NGND. Lê Đình Trung sinh ra để làm một nhà giáo – một người thầy mà tâm huyết, tài năng đã gắn với thầy suốt một đời dạy học. Dẫu phải trải qua không ít những khó khăn, thử thách, thầy vẫn miệt mài, vẫn chuyên tâm, vẫn mang đến cho các thế hệ học trò những bài giảng hay bằng cả khát vọng và niềm đam mê với khoa học.
Khi nhận viết một bài về điển hình dân vận khéo, tôi mơ hồ, không hiểu dân vận thì viết về cái gì đây, nhưng khi nghĩ về thầy, tôi hình dùng ra dân vận khéo ở đây đối với thầy là TÂM VẬN, ĐỨC VẬN, và TRÍ VẬN. Tự đáy lòng chúng tôi, đều nhận được những lời động viên của thầy, tinh thần của thầy ở Tâm - Đức và Trí của thầy.
Hình 1. Thầy Trung (thứ 5 từ trái sang) cùng các Thầy Cô bộ môn Lí luận và PPGD Sinh học họp mặt ngày 20/11
Quê hương – với những ước mơ lắng đọng.
PGS.TS. NGND. Lê Đình Trung, sinh ngày 03 tháng 10 năm 1948 tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, một vùng quê văn Hiến của xứ Nghệ, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, trọng tình nghĩa cần cù và hiếu học. Lớn lên trong hoàn cảnh bom đạn, khói lửa của chiến tranh đã tôi luyện cho thầy lòng kiên trì, bất khuất. Thầy đã biến những kí ức, những khó khăn đó thành động lực để quyết tâm trong cuộc sống. Những ngày đầu học tập, thầy phải học dưới lòng đất, ở các lán tạm bợ, và thường xuyên phải di tản để tránh sự truy lùng của kẻ địch. Khó khăn là vậy, nhưng ngay từ nhỏ thầy đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học. Đặc biệt, với hứng thú với môn Sinh học, thầy dành cả đam mê của mình để tìm tòi, để nghiên cứu, để khám phá thế giới tự nhiên. Tất cả những điều đó, đã hình thành trong thầy một ước mơ, một ngọn lửa cháy bỏng trong trái tim thầy đưa thầy đến với vai trò của người lái đò thầm lặng.
Nhiệt huyết, đam mê nơi trái tim ấy – nghề dạy học yêu quí!
Tháng 6, năm 1966 thầy chính thức tốt nghiệp trường phổ thông, rời xa mái trường sau 3 năm gắn bó. Thầy cùng với người bạn thân của mình là GS.TS. NGND Đinh Quang Báo, đi theo tiếng gọi của tuổi trẻ, đi theo tiếng gọi của tình yêu nghề đã len lỏi, cháy bỏng từ khi còn là cậu học trò nhỏ ra Hà Nội, học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Có lẽ tình yêu với môn Sinh học đã là động lực để thầy đăng kí vào khoa Sinh học để theo đuổi đam mê. Và những năm tháng sinh viên là khoảng thời gian tươi đẹp nhất, vất vả nhưng đầy nhiệt huyết và có rất nhiều kỉ niệm khó quên với thầy.
Năm 1970, sau 4 năm học tập, thầy đã được giữ lại làm giảng viên của khoa Sinh học của trường, ước mơ làm người truyền lửa, làm người truyền cảm hứng cuối cùng đã thành hiện thực. Nghề giáo vốn nghèo về vật chất, thời đấy lại càng nghèo. PGS.TS. NGND. Lê Đình Trung ngày ấy, không chỉ sống bằng đồng lương với một đời sống vật chất đạm bạc mà còn sống bằng niềm tự hào nghề nghiệp với đời sống tinh thần được vun đắp bởi phẩm giá của một thầy giáo. Với thầy, không có bài giảng nào là phụ, bài giảng nào là chính, bài giảng nào thầy cũng chuẩn bị công phu, chu đáo, và chuẩn bị thật nhiều những hoạt động để kích thích, gợi mở tư duy cho học trò. Thầy xem mỗi bài giảng là một công trình khoa học của bản thân. Những điều đó đã phần nào nói lên tài năng, trí tuệ, nghị lực của một nhà giáo, một con người sinh ra và trưởng thành trên khúc ruột miền Trung thân thương. Khi được chia sẻ về tình yêu với nghề, thầy có nói: “thành công của nhà giáo trong nghề dạy học không phải là giáo dục mà đào tạo ra được những con người vừa có đức, vừa có tài để khi vươn ra biển lớn sẽ là những công dân yêu nước và có đủ năng lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước”. Đó cũng là lí do mà dù cuộc sống còn lắm bộn bề, chúng tôi đều thấy thầy vẫn tất bật chèo lái con thuyền của mình trước những bão táp, mưa sa.
Hình 2. Trò chuyện cùng Thầy Nguyễn Đình Trung tại tư gia
Người quản lí có duyên với việc khó.
Theo thầy, một người thầy giỏi phải là một người có kiến thức tốt, tài năng sư phạm, vì thế thầy không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn. Năm 1975 thầy bảo vệ thành công luận văn cấp 1 (tương đương với Luận văn thạc sĩ). Những năm sau đó, thầy tiếp tục hoàn thành nghiên cứu sinh chuyên ngành LL và PPDH Sinh học, chưa dừng lại ở đó, thầy còn tiếp tục bổ sung cho trí tuệ của mình những ngoại ngữ như Nga, Trung, Anh để bồi dưỡng chuyên môn. Có thể nói, con đường học tập, lao động, cống hiến của NGND Lê Đình Trung là con đường của những thử thách, về ý chí và nghị lực. Với những nỗ lực ấy, từ một giảng viên, thầy trở thành phó trưởng bộ môn Di truyền, phó Trưởng khoa Sinh học (1993 - 1997), phó Trưởng phòng QLKH (1998 – 2001), rồi đến Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trưởng bộ môn LL và PPDH Sinh học 2009 – 2011.
Bận rộn với công việc quản lí nhưng dường như chưa phút nào thầy rời xa những ước mơ, những đam mê trên bục giảng và những học trò thân thương của mình. Bởi những lúc mệt mỏi ấy, căng thẳng ấy, nhiều lo toan ấy, thầy được sống lại với tinh thần của tuổi trẻ, sống lại với những khát vọng thuở hàn vi, đó chính là nguồn năng lượng và tinh thần to lớn giúp những lo âu, mệt mỏi giữa đời thường tạm gác lại. Nhà giáo nhân dân Lê Đình Trung là vậy, một con người luôn sống bằng cái “Tâm”, cái “Đức”, cái “Trí”, đã thương thì thương trọn vẹn, đã yêu thì yêu thật lòng.
Một người thầy – một nhà khoa học yêu nghề
Không chỉ tập trung vào giảng dạy, NGND Lê Đình Trung còn đi sâu vào nghiên cứu và hoàn thành nhiều đề tài khoa học thiết thực phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Điển hình thầy đã chủ nhiệm trên 10 đề tài khoa học các cấp, chủ biên, đồng chủ biên, tác giả của hơn 120 đầu sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ cho Đào tạo đại học, sau đại học, phổ thông. Cùng với đó Thầy đã hướng dẫn rất nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên… Với những cống hiến như vậy thầy đã đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Bộ, được Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Giáo dục tặng bằng khen, Nhà nước tặng huân chương lao động…
50 năm cũng là dài so với một đời người, so với sự nghiệp cá nhân, nhưng 50 năm ấy, đối với thầy là một quãng đời đầy ắp công việc, vất vả và gian nan nhưng không ít hạnh phúc với nghề. Sống chan hòa, nhân hậu, thương người luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác là tính cách, là con người thầy, là nét đẹp của thầy.
Vâng! TÂM VẬN, ĐỨC VẬN, TRÍ VẬN với chúng tôi là vậy đó – cảm hóa bằng chính sự chân thành của thầy. Em cảm ơn thầy, cảm ơn thầy bằng tất cả tình cảm và sự kính yêu nhất! Một người thầy chỉ bằng nghị lực, ý chí, trí tuệ, tâm, đức đã làm động lực để cho những đứa con của bộ môn Lí luận và phương pháp dạy học vươn lên trong cuộc sống.
Bài dự thi đạt giả Ba cáp Trường của công đoàn viên Đỗ Thành Trung, Bộ môn LL&PPDHSH