Sơn Đoòng là hang động lớn nhất hành tinh và cũng là hang động hùng vĩ nhất tại Việt Nam. Hang Sơn Đoòng được Hồ Khanh - một thợ rừng người Phong Nha, Quảng Bình phát hiện ra cửa hang vào năm 1990 và đến năm 2009 thì được nhóm thám hiểm hang động Anh-Việt (The British Vietnam Caving Expedition Team) do ông Howard Limbert dẫn đầu vào thám hiểm, khảo sát và đo vẽ. Hang Sơn Đoòng được nhóm thám hiểm cùng với Tạp chí National Geographic công bố là hang động đá vôi tự nhiên lớn nhất thế giới năm 2009. Năm 2013, Hang Sơn Đoòng được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Hang Sơn Đoòng có chiều dài tới 9km. Bên trong hang Sơn Đoòng vòm hang có chỗ cao trên 200m, rộng hơn 150m. Có những vị trí vòm hang bị sập xuống tạo ra những hố sụt (giếng trời) tạo điều kiện để ánh sáng chiếu vào bên trong hang và tạo cơ hội cho cây cối và nhiều thảm thực vật phát triển, với những cây gỗ lớn có thẻ cao hơn 30m. Bên trong hang có dòng suối lớn chảy ngầm, có những khu vực có những hồ nước sâu và là nơi sinh sống của nhiều loài cá, chúng được phát triển theo cách đặc biệt nhằm thích nghi với môi trường tối vĩnh cửu bên trong hang. (nguồn: https://oxalisadventure.com/vi/cave/hang-son-doong/). Thông qua đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà nước mã số ĐTĐL.CN-113/21 nhiều dữ liệu đã được cập nhật mới góp phần hệ thống hóa về đa dạng sinh học của hệ thống hang động Sơn Đoòng. Kết quả được công bố quốc tế (tham khảo dữ liệu theo đường link: https://www.gbif.org/dataset/777dddfc-9b3a-4a68-a2a2-464275f52197).
Tham gia đoàn nghiên cứu, PGS.TS. Trần Thị Thanh Bình (Bộ môn Động vật học) đã cùng các đồng nghiệp đã phát hiện và công bố một loài ốc cạn mới cho khoa học. Loài được phát hiện trong Hố sụt 1 của hang Sơn Đoòng. Loài có tên khoa học Calybium plicatus sp. nov., thuộc giống Calybium, họ Helicinidae, Bộ Cycloneritida, lớp Gastropoda.
Ảnh 1. Hố sụt 1 và tác giả cùng nhóm nghiên cứu thu mẫu tại hố sụt 1
Ảnh 2. Mẫu loài ốc cạn mới chụp tại hố sụt 1
Ảnh 3. Ảnh chụp loài ốc cạn mới Calybium plicatus tại phòng thí nghiệm
Đây là loài ốc cạn thứ hai trong giống Calybium Morlet, 1892 được ghi nhận mới cho khoa học và đây cũng là lần đầu tiên giống Calybium được ghi nhận ở Việt Nam. Calybium plicatus có hình dạng vỏ tương tự như loài Calybium massiei Morlet, 1892 nhưng khác ở chỗ có kích thước vỏ nhỏ hơn, thành đỉnh có sáu phiến đỉnh cách đều nhau. Loài mới này đã được nhóm tác giả công bố trên Tạp chí Ruthenica (Russian Malacological Journal), Vol. 35, No. 1: 39-45, đăng ngày 2/1/2025 (tham khảo bài báo theo đường link: https://doi.org/10.35885/ruthenica.2025.35(1).4).
Bài: PGS.TS. Trần Thị Thanh Bình (Bộ môn Động vật học)
Ảnh: nhóm NC Động vật đất