Chuyến đi này bao gồm việc tham dự khóa học Sinh học Biển Quốc tế (IMBC) 2024 và Hội nghị Quốc tế về Khoa học Tự nhiên (ICNS2024), mở ra nhiều cơ hội học tập, trao đổi kiến thức và phát triển chuyên môn cho sinh viên.
Khóa học Sinh học Biển Quốc tế (IMBC) 2024 được tổ chức trên đảo Sado, tỉnh Niigata, tập trung vào nghiên cứu sinh học biển và bảo tồn hệ sinh thái biển. Trong suốt khóa học, các sinh viên đã tham gia vào nhiều hoạt động thực tiễn, từ việc lặn biển, lấy mẫu sinh vật đến quan sát sự phát triển của phôi sinh vật biển. Ngoài ra, các bài giảng về đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển đã cung cấp cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này. Thông qua các hoạt động giao lưu với sinh viên Nhật Bản và quốc tế, đoàn sinh viên từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có cơ hội học hỏi, trao đổi và tiếp cận các phương pháp nghiên cứu tiên tiến trong sinh học biển.
Sau khi hoàn thành khóa học IMBC2024, Trần Bách và Ngọc Mai tiếp tục tham gia Hội nghị Quốc tế về Khoa học Tự nhiên (ICNS2024) tại Đại học Niigata. Hội nghị này quy tụ các nhà khoa học và sinh viên từ nhiều quốc gia, thảo luận về các lĩnh vực như toán học, vật lý, hóa học, sinh học và khoa học môi trường. Các hoạt động tại ICNS2024 bao gồm bài giảng chuyên đề, phiên thảo luận nhóm và trình bày poster, giúp sinh viên có thêm kiến thức và tham gia vào các cuộc trao đổi học thuật sôi nổi. Hội nghị này cũng là dịp để các sinh viên mở rộng mạng lưới kết nối, tăng cường hợp tác nghiên cứu với cộng đồng khoa học quốc tế.
Bên cạnh các hoạt động học thuật, chuyến đi còn mang lại những trải nghiệm văn hóa đáng nhớ khi các sinh viên tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng như bảo tàng thủy cung Niigata và mỏ vàng Sado Gold Mine, cũng như tham gia du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Shinano. Những trải nghiệm này giúp sinh viên hiểu sâu hơn về văn hóa và thiên nhiên Nhật Bản, đồng thời thắt chặt mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa sinh viên các nước.
Sau chuyến đi, Trần Bách chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm không thể nào quên. Mình đã học được rất nhiều từ khóa học và hội nghị, nhưng điều quan trọng hơn là mình đã kết nối được với những bạn bè mới từ khắp nơi trên thế giới. Những kiến thức và kỹ năng mình tiếp thu được sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc nghiên cứu trong tương lai.”
Ngọc Mai cũng bày tỏ: “Mình cảm thấy may mắn khi có cơ hội tham gia chuyến đi này. Không chỉ mở rộng kiến thức chuyên môn, mà còn là cơ hội để mình khám phá văn hóa Nhật Bản, một đất nước rất đẹp và thân thiện. Mình hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội như thế này trong tương lai để chia sẻ và học hỏi thêm.”
Chuyến đi Nhật Bản lần này là cột mốc quan trọng trong quá trình học tập và phát triển của sinh viên khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Không chỉ mở rộng kiến thức chuyên môn, chuyến đi còn mang lại cơ hội phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường trong tương lai.
Ảnh 1. Bữa tối ice-breaking trong ngày đầu tiên tới đảo Sado
Ảnh 2. Các buổi học lý thuyết tại phòng học
Ảnh 3. Hoạt động lặn để thu thập mẫu động vật
Ảnh 4. Hoạt động thu mẫu động vật bằng vợt
Ảnh 5. Hoạt động thu mẫu sinh vật phù du và sinh vật đáy bằng tàu nghiên cứu “IBIS II”
Ảnh 6. Các hoạt động học trong phòng thí nghiệm
Ảnh 7. Bài báo cáo cuối khóa học
Ảnh 8. Bữa tiệc BBQ chia tay
Ảnh 9. Ảnh các thành viên tham gia IMBC 2024 tại đảo Sado
Ảnh 10. Ảnh các thành viên IMBC2024 tới tham quan Niigata Aquarium Museum
Ảnh 11. Tham gia Hội nghị Quốc tế về Khoa học Tự nhiên (ICNS2024) tại Đại học Niigata
Ảnh 12. Tham gia báo cáo theo từng chuyên ngành (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái đất và Môi trường) tại ICNS2024 tại Đại học Niigata
Bài: Trần Bách và Ngọc Mai
Ảnh: IMBC và ICNS 2024