Nhân học là bộ môn khoa học nghiên cứu về loài người, như vậy khoa học Nhân học có phạm vi nghiên cứu rất rộng. Hiện nay, có nhiều cách phân loại các hướng của khoa học Nhân học nhưng cách phân loại theo 2 hướng là Nhân học hình thể (Physical Anthropology) và Nhân học văn hóa (Cultural Anthropology) được nhiều nhà khoa học thấy thỏa đáng hơn. Bản thân mỗi hướng chính này lại có nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Nhân học hình thể là chuyên ngành khoa học nghiên cứu về con người dưới góc độ tự nhiên, bao gồm các khía cạnh Sinh học (vì thế được gọi là Nhân học sinh học – Bilological Anthropology), tìm hiểu về nguồn gốc, tiến hóa của con người trong tự nhiên qua các dẫn liệu và lý luận về di truyền, biến dị, cổ sinh, địa tầng, các hóa thạch… Nhân học văn hóa gồm các lĩnh vực Ngôn ngữ, Dân tộc học, Lịch sử, Xã hội…
Ảnh 1. Bìa cuốn sách Nhân học hình thể
Đây là môn khoa học rất khó, cần phải có kiến thức tổng hợp từ nhiều khoa học khác nhau để lý giải những vấn đề, những giả thuyết mà sự việc đã diễn ra hàng triệu, hàng trăm nghìn năm về trước. Ở trên thế giới, khoa học Nhân học nói chung và nhất là khoa học Nhân học hình thể nói riêng đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam, khoa học này chưa phát triển, ngay cả môn học này cũng ít được quan tâm ở các trường đại học. Hiện nay ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu về con người nhưng chưa có cuốn sách nào nói đến tổng thể về sự hình thành và tiến hóa của con người, đặc biệt là người Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường – người đã có hơn 40 năm làm việc tại Viện Khảo cổ học Việt Nam, nay là Tổng thư kí Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có điều kiện nghiên cứu về Cổ nhân học tại các nước có lĩnh vực khoa học này phát triển như Liên Xô (cũ), Đức, Pháp, Nhật Bản. Tác giả cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1093 cá thể), đồng thời đã có nhiều công trình khoa học đăng trong sách và tạp chí của nước ngoài như Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điển, Australia, Nhật Bản, Nga… Việc biên soạn cuốn “Nhân học hình thể” này là một cố gắng rất lớn của tác giả vì nội dung của sách ngoài những kiến thức về cổ nhân học còn gồm nhiều kiến thức về Sinh học như Di truyền học, Tiến hóa, Phân loại học động vật… Vì vậy, lượng kiến thức phải thật hài hòa sao cho vừa đủ về nội dung, vừa phải chọn lọc ngôn ngữ, văn phong khoa học và lượng kiến thức phù hợp để giúp đối tượng chính là sinh viên ngành Nhân học của các Trường Đại học dễ hiểu khi tham khảo.
Ảnh 2. Lời đề tặng của tác giả cuốn sách
Cuốn sách dày 327 trang khổ 16x24cm đóng bìa cứng do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản. Cuốn sách được cấu trúc thành 8 bài:
Bài 1. Khái niệm về nhân học hình thể
Bài 2. Di truyền học và tiến hóa
Bài 3. Linh trưởng (Primas)
Bài 4. Trên họ Người (Hominoidea)
Bài 5. Người đứng thẳng (Homo erectus)
Bài 6. Người khôn ngoan (Homo sapiens)
Bài 7. Những phát hiện về cổ nhân học ở Việt Nam
Bài 8. Những nhóm loại hình nhân chủng ở Việt Nam và vấn đề nguồn gốc người Việt
Người đọc sẽ rất thích thú với những dẫn liệu và hình ảnh minh họa phong phú về người Việt Nam qua hai bài cuối của cuốn sách. Hy vọng, độc giả sẽ tìm thấy những điều mới mẻ bổ ích về lĩnh vực khoa học còn mới ở Việt Nam – Nhân học hình thể./.
Nguồn bài và ảnh: Khoa Sinh học