Con người phụ thuộc vào các hệ sinh thái biển để cung cấp các dịch vụ quan trọng như dinh dưỡng, sinh kế, sức khỏe và phúc lợi. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi ích này, chúng ta đã thực hiện các hoạt động gây áp lực lên hệ sinh thái, dẫn đến tổn hại, suy thoái môi trường sống và giảm khả năng cung cấp dịch vụ của các hệ sinh thái này. Điều này đã góp phần vào sự mất mát đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái trên toàn cầu, trong khi chuỗi tác động từ các hoạt động con người vẫn chưa được hiểu rõ, đặc biệt ở các hệ sinh thái biển nhiệt đới.
Nghiên cứu lần đầu tiên xác định chuỗi tác động liên kết giữa các hoạt động của con người và áp lực mà chúng gây ra trên năm môi trường sống biển và ven biển nhiệt đới, áp dụng tại bốn địa điểm nghiên cứu điển hình ở Đông Nam Á. Dựa trên suy luận chuyên gia từ các bằng chứng hiện có, nghiên cứu đánh giá từng chuỗi tác động theo mức độ áp lực, tần suất, độ bền bỉ, cũng như khả năng chống chịu và phục hồi của môi trường sống. Việc gán điểm rủi ro cho từng chuỗi tác động cho phép xác định các hoạt động, áp lực có rủi ro cao nhất và các môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng nhất.
Trong số 26 hoạt động được phân tích, các hoạt động đánh bắt cá (đặc biệt là nghề lưới giã cào, lưới rê và lưới vây) được xác định có rủi ro cao nhất, bên cạnh du lịch và giải trí. Ô nhiễm cũng là một trong những áp lực lớn nhất đối với môi trường sống, trong đó các rạn san hô được nhận diện là dễ bị tổn thương nhất. Các hoạt động đánh bắt mang tính hủy diệt gây ra các áp lực vật lý như mài mòn, phủ kín, bồi lắng và mất môi trường sống, trong khi các hoạt động du lịch liên quan đến sự phù dưỡng, rác thải và ô nhiễm.
Sự kết hợp giữa áp lực vật lý từ đánh bắt cá và ô nhiễm từ du lịch nhấn mạnh nhu cầu về quản lý hiệu quả thông qua cách tiếp cận phân vùng có kế hoạch. Điều này cần xem xét các tác động tại địa phương đồng thời tích hợp phối hợp khu vực để xử lý các áp lực phân tán từ ô nhiễm hoặc xáo trộn trầm tích ở khoảng cách xa. Phương pháp đánh giá rủi ro trong nghiên cứu này có thể hỗ trợ ra quyết định, giúp các bên liên quan cân nhắc sự đánh đổi trong quản lý tài nguyên biển, đồng thời xác định các ưu tiên để đạt được tính bền vững.
Một số thông tin liên quan tới bài báo:
Tạp chí Journal of Applied Ecology, IF=5.12, Q1, H=208, WoS
Link bài báo (Open Access): https://besjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1365-2664.14812
Từ khóa: Rạn san hô; quản lý dựa và hệ sinh thái; rừng ngập mặn; rác biển; khu bảo tồn biển; đánh bắt quá mức; thảm cỏ biển; sử dụng tài nguyên bền vững.
Hình 1. Trang đầu bài báo
Hình 2. Vị trí khu vực nghiên cứu
Hình 3. Chuỗi các tác động (hoạt động, áp lực, sinh cảnh) qua các trường hợp nghiên cứu ở Đông Nam Á
Hình 4. Rủi ro tác động tích lũy do từng hoạt động gây ra đối với từng sinh cảnh. Các giá trị trung vị, khoảng tứ phân vị, giá trị tối thiểu và tối đa của rủi ro tác động
Hình 5. Rủi ro tác động tích lũy do từng áp lực gây ra đối với từng sinh cảnh. Các giá trị trung vị, khoảng tứ phân vị, giá trị tối thiểu và tối đa của rủi ro tác động
Nguồn bài: PGS.TS. Trần Đức Hậu - Bộ môn Động vật học