Trong khi dịch bệnh virus corona chủng mới vẫn hoành hành trên khắp thế giới, ngày 5/10/2020, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã thông báo quyết định trao giải Nobel về lĩnh vực Sinh lý học hay Y học cho ba nhà khoa học đã có những đóng góp có vai trò quyết định trong cuộc chiến chống căn bệnh viêm gan, một vấn nạn y tế toàn cầu gây ra tình trạng xơ gan và ung thư gan trên khắp thế giới.
Ba nhà khoa học chiến thắng giải Nobel Y Sinh học năm nay (Đồ họa: Nobel Prize/Twitter)
Michael Houghton (người Anh), Harvey Alter cùng đồng nghiệp người Mỹ khác là Charles Rice cùng nhau chia sẻ giải Nobel Y học năm 2020 vì những « đóng góp có tính quyết định » cho việc « khám phá virus siêu vi gan C », theo tuyên bố của hội đồng khoa học Nobel.
Viêm gan - mối đe dọa đối với sức khỏe nhân loại
Viêm gan là bệnh chủ yếu gây ra do virus, nhưng tiêu thụ quá nhiều rượu, độc tố của môi trường và bệnh tự miễn dịch cũng được chứng minh là những nguyên nhân hàng đầu. Vào những năm 1940, người ta đã xác định được tồn tại của 2 loại viêm gan truyền nhiễm chính.
Loại thứ nhất, được đặt tên là viêm gan A, lây truyền qua nguồn nước hoặc thức ăn bị ô nhiễm và thường ít gây ra những hậu quả lâu dài đến bệnh nhân. Loại thứ hai được đặt tên là viêm gan B, có thể lây truyền qua máu và dịch cơ thể, và là mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều vì nó có thể dẫn đến tình trạng mãn tính, từ đó dần dần đưa đến sự phát triển của xơ gan và ung thư gan. Đây là dạng viêm gan ngấm ngầm, và những người trông có vẻ khỏe mạnh vẫn có thể bị nhiễm bệnh trong nhiều năm, trước khi phát sinh các biến chứng nghiêm trọng. Viêm gan gây truyền qua đường máu có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đáng kể. Mỗi năm, ước tính có hàng triệu người chết do viêm gan và chính vì lẽ đó, nó trở thành mối quan tâm sức khỏe toàn cầu với quy mô tương đương với HIV và lao phổi.
Một tác nhân lây nhiễm không xác định
Chìa khóa để chặn đứng bất kỳ căn bệnh truyền nhiễm nào là phải xác định được tác nhân gây bệnh. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Baruch Blumberg đã xác định được một dạng viêm gan lây truyền qua đường máu mà tác nhân là do virus viêm gan B gây ra, và khám phá này đã dẫn đến sự phát triển của các xét nghiệm chẩn đoán và vắc xin hiệu quả trong việc ngừa bệnh. Với thành tựu đó, Blumberg đã được trao giải Nobel Sinh lý học hay Y học vào năm 1976.
Vào thời điểm cuối thập niên 70, Harvey J. Alter tại Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đang nghiên cứu về việc những bệnh nhân được truyền máu bị nhiễm bệnh viêm gan. Mặc dù các xét nghiệm máu tìm virus viêm gan B đã làm đáng kể giảm số trường hợp mắc bệnh viêm gan do truyền máu, Alter và các đồng nghiệp đã nhận thấy điều gì đó bất thường khi vẫn còn một lượng lớn những trường hợp bị sót. Các xét nghiệm liên quan đến virus viêm gan A cũng được phát triển vào khoảng thời gian này, và điều đáng nói là virus viêm gan A cũng không phải là nguyên nhân của những trường hợp như vậy.
Bệnh nhân được nhập viện, truyền máu, và rồi bị viêm gan mãn tính mà không rõ bất kỳ nguyên do nào. Nếu không kịp thời có biện pháp ngăn chặn, mọi chuyên sau đó sẽ vô cùng tồi tệ. Lúc bấy giờ, trải qua các thử nghiệm và nghiên cứu, Alter cùng với các cộng sự của mình phát hiện thấy máu từ những bệnh nhân viêm gan này có thể nhiễm cho hắc tinh tinh, vật chủ nhạy cảm duy nhất ngoài con người. Các nghiên cứu sau đó cũng chứng minh rằng tác nhân lây nhiễm chưa được biết đến có các đặc điểm của virus. Lần theo manh mối này, nhóm của Alter đã xác định được một dạng viêm gan mãn tính mới. Căn bệnh bí ẩn được gọi là bệnh viêm gan “không phải A, không phải B”.
Xác định virus viêm gan C
Với tất cả những bằng chứng có trong tay thời điểm đó, việc xác định loại virus mới trở thành ưu tiên hàng đầu. Tất cả các kỹ thuật truyền thống để săn virus đã được đưa vào sử dụng, thế nhưng virus vẫn không thể nào bị cô lập trong suốt hơn một thập kỷ. Michael Houghton, khi ấy làm việc cho hãng dược phẩm Chiron, đã đảm nhận một công việc được cho là “gian khổ nhưng cần thiết” để phân lập trình tự di truyền của virus. Houghton và các đồng nghiệp của ông đã tạo ra một bộ sưu tập những đoạn DNA từ các axit nucleic có trong máu của một con hắc tinh tinh bị nhiễm bệnh.
Phần lớn các mảnh ghép di truyền đó đến từ bộ gen của chính loài hắc tinh tinh, nhưng các nhà nghiên cứu dự đoán rằng một số có thể có nguồn gốc từ chủng virus chưa xác định. Với giả định rằng các kháng thể chống lại virus sẽ có trong máu được lấy từ bệnh nhân viêm gan, các nhà khoa học đã sử dụng huyết thanh của bệnh nhân để xác định các đoạn DNA virus được nhân bản nhằm mã hóa protein virus. Sau khi thực hiện một chiến dịch rà soát toàn diện, một bàn sao đã được tìm thấy. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy bản sao này có nguồn gốc từ một loại virus RNA mới thuộc họ Flavivirus và nó được đặt tên là virus viêm gan C.
Về phần Charles Rice, năm nay 68 tuổi, ông đã dầy công tìm hiểu trong vòng nhiều năm cách thức virus nhân rộng để rồi nhờ vào những nghiên cứu này mà khoa học đã tìm ra được một cách điều trị mới mang tính cách mạng trong những năm 2010: Đó chính là thuốc Sofosbuvir.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, 71 triệu người trên toàn thế giới đã bị lây nhiễm viêm gan C mãn tính, đây vốn là nguyên nhân dẫn đến gần 400.000 cái chết mỗi năm, phần lớn là bệnh xơ gan và ung thư gan.
Giải thưởng năm nay vô cùng xứng đáng, Ellie Barnes - nhà nghiên cứu về thuốc điều trị gan và miễn dịch học tại trường Đại học Oxford, Anh, nhận xét: “Nó nổi bật như một thành quả khoa học lớn lao. Chúng ta có một điểm tựa để điều trị cho những người bị nhiễm bệnh”, bà nói.
Đóng góp của 3 nhà khoa học được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2020
Trong thập kỷ qua, những phương pháp điều trị virus này kém hiệu quả đã được thay thế bằng những loại thuốc hiệu quả trong việc trực tiếp kiềm chế nó. Các loại thuốc này có hiệu quả trong việc chữa trị phần lớn trường hợp lây nhiễm virus viêm gan C nhưng chi phí cao khiến chưa thể áp dụng rộng rãi những loại thuốc này tại nhiều quốc gia thu thập thấp và trung bình. Điều trị đòi hỏi cần có một phác đồ thuốc trong vòng 8 đến 12 tuần, Barnes cho biết.
Hình virus viêm gan C qua kính hiển vi điện tử (Nguồn: Cavallini James/BSIP/SPL)
Những khó khăn về vaccine
WHO đã đề ra một mục tiêu để loại trừ virus viêm gan C vào năm 2030, điều mà theo Barnes thì có thể đạt được. Nhưng để thành hiện thực, bà cho biết thêm là có thể cần một loại vaccine.
Quá trình phát triển một vaccine rất chậm chạp, một phần do nỗ lực này ít nhận được đầu tư và cũng do bản chất phức tạp của loài virus này. Di truyền của mỗi dòng virus viêm gan C khác nhau một cách kỳ lạ: Barnes ước tính, virus viêm gan C có sự đa dạng gấp 10 lần HIV, và “tăng vô hạn” hơn nhiều so với coronavirus SARS-CoV-2. Và thật khó để trông nom các ca điều trị lâm sàng trong số đông người bị nhiễm virus viêm gan C virus nặng nhất.
Không vấn đề nào là không thể vượt qua, Barnes lưu ý. “Con virus này đã được khám phá 30 năm trước và chúng ta vẫn chưa có được vaccine,” bà nói. “Chúng ta vẫn có những người bị lây nhiễm và chết vì viêm gan C. Từ góc nhìn này, có thể thấy là câu chuyện vẫn chưa kết thúc.”
Với giải thưởng Nobel Y khoa lần thứ 111 này, kể từ giờ, thế giới có đến 222 người được trao giải Nobel về « Sinh lý học hay Y học » kể từ ngày Nobel được thành lập.
Nguồn bài tổng hợp từ các nguồn: nobelprize.org; nature.com; Tia sáng.