Nhóm tác giả của khoa Sinh học, Trường ĐHSPHN gồm: PGS.TS. Trần Đức Hậu, TS. Nguyễn Phúc Hưng, TS. Nguyễn Văn Quyền và GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí cùng 23 tác giả khác đến từ 5 nước đã hợp tác nghiên cứu và công bố bài báo mới “A matrix approach to tropical marine ecosystem service assessments in South east Asia” trên Tạp chí quốc tế có uy tín (Q1). Dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) là “Những lợi ích con người đạt được từ các hệ sinh thái, bao gồm dịch vụ cung cấp như thức ăn và nước, các dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán; các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng; và các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi ích vật chất khác”. Nghiên cứu và áp dụng lĩnh vực này là cách tiếp cận mới trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, quốc gia có tính đa dạng sinh học cao về số lượng loài, và đặc biệt là các hệ sinh thái ven biển. Trong khuôn khổ của Dự án Cộng đồng Xanh (Blue Communities), nhóm tác giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã công bố bài báo trên tạp chí Ecosystem Services liên quan đến đánh giá DVHST của hệ sinh thái biển.
Bài báo mang đến cho người đọc nhiều thông tin bổ ích về khái niệm, phân loại, xây dựng ma trận hệ đánh giá DVHST và quan trọng là phương pháp nghiên cứu, phương pháp cho điểm các DVHST. Theo bài báo Đánh giá DVHST ngày càng được sử dụng nhiều hơn để hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhưng có sự khác biệt trong áp dụng đối với các hệ sinh thái ở cạn và các quốc gia có thu nhập cao hơn. Ứng dụng đánh giá DVHST ở biển nhiệt đới còn ít, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Với sự gia tăng dân số ven biển và mở rộng các ngành kinh tế xanh ở Đông Nam Á, cần thiết có bằng chứng hỗ trợ cho việc lập kế hoạch biển hiệu quả, chẳng hạn như đánh giá DVHST.
|
Hình 2. Vị trí của bốn khu vực nghiên cứu (nguồn: trích dẫn từ bài báo)
|
Thiếu hụt dữ liệu về các hệ thống biển, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp là một trở ngại đáng kể cho việc đánh giá DVHST. Để khắc phục điều này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một ma trận tiềm năng DVHST dựa vào kết hợp các bằng chứng được thu nhận từ tổng quan chi tiết tài liệu cùng với ý kiến chuyên gia.
Hình 3. Ma trạn về tiềm năng dịch vụ hệ sinh thái được chấm điểm theo môi trường sống tự nhiên và nhân tạo (nguồn: trích dẫn từ bài báo)
|
Ma trận bao gồm cả môi trường sống tự nhiên và môi trường nhân tạo, như là các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tiềm năng DVHST cho các sinh cảnh được chấm điểm ở cấp độ lớn (ví dụ: rừng ngập mặn) do không đủ bằng chứng để cho điểm các cấp độ nhỏ (ví dụ: rừng ngập mặn rìa, lưu vực hoặc ven sông). Phần lớn bằng chứng có sẵn cho các môi trường sống sinh học (rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển), tương đối ít đối với môi trường trầm tích. Trong khi các dịch vụ cung cấp, điều tiết và văn hóa được tính điểm, các bằng chứng được công bố nhiều hơn cho các dịch vụ cung cấp và điều tiết.
Điểm tin cậy, cho thấy sự không chắc chắn trong cho điểm tiềm năng của DVHST cũng được đưa vào ma trận. Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm xác định việc cung cấp DVHST từ sinh cảnh biển nhiệt đới. Mặc dù được phát triển đầu tiên cho bốn khu dự trữ sinh quyển và khu bảo tồn biển ở Đông Nam Á, bản chất chung của các bằng chứng cho thấy rằng ma trận là cơ sở có giá trị cho các đánh giá DVHST biển trong khu vực Đông Nam Á và cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự phát triển các nghiên trong trong thời gian tới.
Bài báo là tài liệu tham khảo tốt cho những nghiên cứu theo hướng này ở Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu./.
Bài và ảnh: Nhóm nghiên cứu Dự án Cộng đồng xanh - BC HNUE